(HNM) - Tháng 6 này, Thông tư 15 của Bộ Công an có hiệu lực. Có 2 nội dung được người dân quan tâm là quy định việc chủ xe khi bán phương tiện phải có thông báo bằng văn bản đến cơ quan chức năng và xe máy điện phải đăng ký biển số.
Những quy định cũ bị lãng quên
Thông tư 15 của Bộ CA bao gồm nhiều nội dung nhưng điểm được người dân chú ý là việc nhắc lại đối tượng "xe máy điện" thuộc diện phải có đăng ký, có biển kiểm soát. Nói Thông tư 15 chỉ "nhắc lại" là vì như lãnh đạo Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ CA) cho biết, từ tháng 7-2009, khi Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực thì đã có quy định này. Nhưng, rõ ràng là từ đó đến nay, quy định này gần như bị "lãng quên". Cả cơ quan chức năng cũng như người sử dụng xe máy điện đều không quan tâm đến yêu cầu này. Bằng chứng là hàng trăm nghìn xe máy điện trên cả nước hầu như không có BKS và cũng hiếm gặp trường hợp nào bị xử lý vì lý do này. Vì vậy, người bán, người mua đều coi nhẹ việc lưu giữ các giấy tờ liên quan đến xe máy điện.
Thông tư 15 còn một nội dung khác là yêu cầu chủ phương tiện giao thông cơ giới khi sang nhượng, cho, bán phải đăng ký với cơ quan CA. Đây cũng không phải là yêu cầu mới, bởi điều này đã được quy định từ năm 2010 tại Thông tư 36 của Bộ CA. Nhưng, hầu như không mấy ai biết đến quy định này và đều quan niệm trách nhiệm đăng ký với loại phương tiện sau chuyển nhượng chỉ thuộc về phía người nhận, mua. Vì vậy, nhiều người tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của quy định này bởi khi xe đã dời chủ thì người bán, cho, tặng hết trách nhiệm...
CSGT lập biên bản xử lý trường hợp vi phạm quy định về ATGT. Ảnh: Như Ý |
Cũng liên quan đến lĩnh vực TTATGT, một quy định sắp được thực hiện là việc từ ngày 1-7 tới, người sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) không đúng quy định bị xử lý như người không đội MBH. Quy định này cũng không mới và mục đích nhằm bảo vệ người tiêu dùng, nhưng thực tế không dễ được người dân chấp hành. Hiện, số lượng người sử dụng các loại mũ không chuẩn rất lớn. Do giá thành rẻ, mẫu mã phong phú, MBH không đủ chất lượng vẫn được bày bán công khai mà cơ quan chức năng khó quản. Đầu năm 2013, các cơ quan chức năng cũng đã ra quân xử lý vi phạm về MBH không đạt chất lượng nhưng kết quả không như mong muốn...
Cần biện pháp dài lâu
Việc cấp đăng ký, biển số cho xe máy điện hay việc kiểm soát phương tiện ngay từ khi được cho, bán, tặng là rất cần thiết, nhằm nâng cao năng lực quản lý phương tiện, bảo đảm TTATGT, giải quyết, xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến phương tiện cơ giới. Nhưng để cho những quy định này bị lãng quên trong một thời gian dài chính là trách nhiệm của cơ quan chức năng khi không có kế hoạch tuyên truyền kịp thời và cụ thể, mặt khác lại không xử lý nghiêm minh theo luật định. Để những quy định trên đi vào cuộc sống, những bất cập trên cần được giải quyết ngay. Trước tiên, cơ quan chức năng cần thông tin công khai và cụ thể về các quy định này đến từng người sử dụng phương tiện; tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận và giải quyết các thủ tục về đăng ký phương tiện, thông báo khi chuyển nhượng, bán, tặng phương tiện. Có lẽ, cơ quan CA cần mở một chiến dịch vừa tuyên truyền vừa phục vụ nhân dân như đợt thực hiện Thông tư 12 của Bộ CA năm 2013. Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt - CATP cho biết, từ ngày 1-6, đơn vị yêu cầu CSGT phải có trách nhiệm hướng dẫn, tuyên truyền Thông tư 15 cho nhân dân biết và thực hiện và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi đến làm các thủ tục đăng ký…
Về chế tài xử lý, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt trả lời báo chí cho biết, xe máy điện lưu thông không đăng ký biển số sẽ bị phạt 300.000-400.000 đồng. Còn trong trường hợp chủ xe không thông báo thì tiếp tục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đó đến khi tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển xe làm thủ tục đăng ký sang tên. Chế tài này cũng không phải là mới nhưng thời gian qua chưa được thực thi đầy đủ và nghiêm túc. Yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là song hành với công tác tuyên truyền, công tác xử lý cần có sự quyết tâm cao, phải được duy trì và thực hiện nghiêm túc việc phát hiện, xử lý vi phạm, không chấp nhận cách làm thời vụ. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm, nhất là vi phạm về MBH phải gắn với việc xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại, tránh làm khó cho người tiêu dùng...
Để nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực TTATGT, cơ quan chức năng đã soạn thảo và đưa ra nhiều quy định rất chi tiết, qua đó tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ. Nhưng hành lang pháp lý đó sẽ vô dụng hoặc trở nên thừa thãi nếu không thực sự đi vào cuộc sống. Vì vậy, quá trình xây dựng quy định, tổ chức tuyên truyền và xử lý vi phạm phải được thực hiện kiên trì, bài bản trong nhiều thời gian nữa mới tạo sự chuyển biến về TTATGT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.