(HNM) - Chỉ định luật sư bào chữa đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi; người có khó khăn trong nhận thức; người phạm tội có khung hình phạt cao nhất 20 năm, chung thân, tử hình là quy định nhân đạo, được ghi nhận trong Hiến pháp, giúp số vụ việc có luật sư tham gia trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử ngày càng tăng. Song việc này vẫn còn không ít vướng mắc, rất cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan trong hoạt động tố tụng.
Vẫn bị coi nhẹ
Từ thực tiễn xét xử, luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Ủy viên Hội đồng Khen thưởng kỷ luật (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) thông tin, trong vụ án chỉ định, sứ mệnh của luật sư được thực hiện thông qua trợ giúp pháp lý, tư vấn, bào chữa cho người bị buộc tội. Từ đó, không chỉ giúp họ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mà còn góp phần bảo đảm việc điều tra, truy tố và xét xử đúng người, đúng tội. Song, trong quá trình phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng như khi lấy lời khai, có những lần cơ quan điều tra thông báo sát giờ khiến luật sư “trở tay không kịp” và nhiều luật sư không thể tham gia.
Đáng lưu ý, có một số trường hợp, cá nhân người tiến hành tố tụng (cán bộ điều tra, điều tra viên, kiểm sát viên, thư ký, thẩm phán) khi nhận được đề nghị của luật sư được có mặt trong tất cả các buổi hỏi cung, thực nghiệm điều tra hay sao chụp hồ sơ vụ án thường nhận được câu trả lời mang tính né tránh. Hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, nếu có cả luật sư mời và luật sư chỉ định thì vai trò của luật sư chỉ định đôi khi còn bị coi nhẹ, chỉ là “cho đủ” theo quy định pháp luật.
Trong khi đó, luật sư Lê Đăng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trường Giang cho hay, thù lao trong những vụ án này rất hạn chế nên nhiều luật sư không "mặn mà" tham gia hoặc đầu tư công sức chưa phù hợp, mặc dù có quy định phải tận tâm với khách hàng như những vụ án khách hàng mời.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Bùi Thị Hồng Anh cho biết, mặc dù Thông tư liên tịch số 191/2014/TTLT-BTC-BTP đã quy định thủ tục chi trả, nhưng trong quá trình thực hiện chưa có hướng dẫn cụ thể. Thực tế hiện nay, mỗi cơ quan thực hiện việc chi trả thù lao và chi phí cho luật sư theo quy định riêng, phần nào đã gây khó khăn cho các luật sư khi thực hiện đề nghị thanh toán. Ngoài ra, có thực tế là nhiều buổi hỏi cung bị trì hoãn do luật sư bận tham gia phiên tòa khác…
Bảo đảm quyền công dân
Cho rằng sự phối hợp nhịp nhàng của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội với các cơ quan: Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án sẽ góp phần giải quyết tốt công việc chung, hướng tới xây dựng một xã hội nhân văn, pháp luật nghiêm minh và công bằng, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Hà nêu quan điểm, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của luật sư, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng về án chỉ định và vai trò của luật sư trong vụ án chỉ định. Cùng với đó, cần sự quán triệt và phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chi trả thù lao luật sư theo đúng quy định của pháp luật.
Nêu quan điểm về vấn đề phối hợp, Đại tá Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hà Nội) đề xuất UBND thành phố giao đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị khác xây dựng Quy chế phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng với Đoàn luật sư, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về cơ chế thực hiện “Chỉ định người bào chữa” trong các giai đoạn giải quyết vụ án hình sự. Căn cứ chức năng nhiệm vụ, vị trí, vai trò của mình, các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hà Nội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội tiến hành rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến việc thực hiện “Chỉ định người bào chữa” theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để đánh giá thực trạng, tập hợp những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản giải đáp.
Trong khi chờ có một quy chế phối hợp rõ ràng, chi tiết, từ đó kiểm soát, thúc đẩy các hoạt động, giúp việc thực hiện án chỉ định được đồng bộ, thống nhất, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố khẳng định, khi gặp khó khăn, luật sư có thể gửi ý kiến của mình tới cơ quan Cảnh sát điều tra hoặc gửi trực tiếp cho cá nhân ông để được xem xét, giải quyết kịp thời. Đích đến là tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.