Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần cơ chế bảo đảm việc thực hiện án chỉ định được đồng bộ, thống nhất

Hà Phong| 21/04/2023 17:06

(HNMO) - Ngày 21-4, đã diễn ra Hội nghị phối hợp về thực hiện án chỉ định và các quy định khác trong hoạt động tố tụng giữa Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội với các cơ quan là Công an thành phố Hà Nội, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội.

Theo Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, hoạt động tố tụng nói chung, trong đó vấn đề chỉ định người bào chữa có một ý nghĩa hết sức nhân văn và nhân đạo trong pháp luật Việt Nam. Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội luôn thực hiện tốt việc phân công tổ chức hành nghề luật sư, cử luật sư bào chữa khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định người bào chữa, bảo đảm 100% án chỉ định có người bào chữa và không để xảy ra bất cứ sự cố nào dù là nhỏ.

Số lượng các tổ chức hành nghề luật sư tham gia hoạt động án chỉ định ngày càng tăng, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng. Hoạt động này hằng năm được Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao; được các cơ quan tiến hành tố tụng và người dân tin tưởng.

Luật sư Đoàn Luật sư Hà Nội tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân quận Hoàng Mai.

Song theo Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, trên thực tế, trong quá trình tham gia tố tụng vẫn xuất hiện tình trạng phân biệt giữa luật sư chỉ định với luật sư mời từ phía người tiến hành tố tụng. Có nhiều trường hợp, cá nhân người tiến hành tố tụng (Cán bộ điều tra, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thư ký, Thẩm phán) khi nhận được đề nghị của luật sư được có mặt trong tất cả các buổi hỏi cung, thực nghiệm điều tra hay sao chụp hồ sơ vụ án thường nhận được câu trả lời mang tính né tránh, có trường hợp cho rằng, luật sư mời mới cần thiết tham gia sâu rộng các hoạt động tố tụng đó.

Hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, nếu có cả luật sư mời và luật sư chỉ định thì vai trò của luật sư chỉ định đôi khi còn bị coi nhẹ. Một số phiên tòa, không có luật sư chỉ định không phải vì luật sư chỉ định không đến, mà vì luật sư không được thông báo của Tòa án để tham gia phiên tòa. 

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, hoạt động thực hiện án chỉ định và hoạt động thực hiện án trợ giúp pháp lý là hai hoạt động mang tính nhân văn. Về đối tượng, trình tự, thủ tục thực hiện tuy có khác nhau nhưng cả hai hoạt động này đều có điểm chung là hướng đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng yếu thế, các đối tượng không có điều kiện thuê, mời luật sư. Tuy nhiên, sự quan tâm của cơ quan nhà nước đối với hai hoạt động này còn mang tính thiên vị, chưa tạo sự bình đẳng. Đối với lĩnh vực thực hiện án chỉ định thì gần như không có một cơ quan nào được thành lập ra để thực hiện các chức năng như đối với lĩnh vực trợ giúp pháp lý. Lượng án chỉ định tại các tỉnh, thành phố rất nhiều nhưng chất lượng thực hiện không cao.

Để khắc phục bất cập trên, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của luật sư, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng về án chỉ định và vai trò của luật sư trong vụ án chỉ định. “Luật sư chỉ định cần được nhìn nhận và tôn trọng như luật sư mời và không bị hạn chế bất kỳ hoạt động tố tụng nào. Bất kỳ người tiến hành tố tụng nào có hành vi cản trở, hạn chế quyền hành nghề của luật sư chỉ định cũng phải chịu trách nhiệm theo quy định”, ông Hà nói.

Các ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng, cần có sự quán triệt và phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chi trả thù lao luật sư theo đúng quy định của pháp luật. Ký Quy chế phối hợp liên ngành trong hoạt động thực hiện án chỉ định giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Từ đó, kiểm soát, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động thực hiện án chỉ định, bảo đảm cho việc thực hiện án chỉ định được đồng bộ, thống nhất, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật.

Luật quy định, trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ: Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần cơ chế bảo đảm việc thực hiện án chỉ định được đồng bộ, thống nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.