(HNM) - Nhiệm kỳ 2011-2015, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố tiếp tục xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong hai khâu đột phá...
Đối với một thành phố là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, có quy mô dân cư đông và số đơn vị hành chính cấp quận, huyện lớn nhất cả nước như Hà Nội, CCHC được xác định là yêu cầu cấp bách. Ngay từ nhiệm kỳ 2005-2010, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã chọn CCHC là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm và là một trong hai khâu đột phá. Trong giai đoạn này, dù gặp phải không ít khó khăn khi thực hiện mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII nhưng Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể là thành phố đã hoàn thành việc rà soát 1.816 thủ tục hành chính (TTHC); trong đó đã kiến nghị giữ nguyên 524 TTHC, hủy bỏ 146 TTHC; sửa đổi, bổ sung 1.101 TTHC; thay thế 45 TTHC; tỷ lệ đơn giản hóa đạt 71,2%. Không chỉ là con số vượt hơn 2 lần chỉ tiêu đơn giản hóa (tối thiểu 30%) TTHC trong lĩnh vực quản lý nhà nước theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 30), kết quả đạt được của Hà Nội đã góp phần quan trọng trong việc giảm thời gian và loại bỏ những quy định, TTHC không hợp lý; đưa ra những quy định phù hợp, tạo thuận lợi cho tổ chức và công dân.
Trong nhiệm kỳ 2011-2015, Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện một số nội dung quan trọng, làm cơ sở vững chắc cho công tác CCHC. Xác định CCHC là quá trình khắc phục mọi lực cản trong bộ máy tổ chức và trong cơ chế vận hành, thành phố đã xây dựng Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp giai đoạn 2012-2016, trong đó đưa ra các giải pháp nhằm kiện toàn tổ chức, tạo sự đồng bộ trong hoạt động quản lý, điều hành của UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn trực thuộc. Sở Thông tin - Truyền thông được giao nhiệm vụ xây dựng mô hình khung thực hiện "cơ quan điện tử"; xây dựng Đề án về triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 theo chỉ đạo của Chính phủ; xây dựng và cài đặt phần mềm ứng dụng dùng chung cho cấp huyện và cấp xã của toàn thành phố trong năm 2013. Sở Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng Đề án về mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 cho các loại hình cơ quan quản lý hành chính nhà nước thuộc thành phố…
Hiện Hà Nội đã có 29/29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn; 26 sở, ban, ngành và đơn vị hiệp quản đã tổ chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế "một cửa", cơ chế "một cửa liên thông". Các TTHC được công bố và ban hành bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật, chi phí thời gian để thực hiện các TTHC đã có sự cải thiện đáng kể. Việc công khai, minh bạch TTHC và quy trình thực hiện cũng được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân. UBND thành phố đã công bố TTHC mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 175 TTHC (thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp, y tế, đầu tư, đất đai, công thương…). Cổng giao tiếp điện tử của thành phố đã công khai 2.335 thủ tục, trong đó có 1.897 TTHC của các sở, ban, ngành (gồm cả các cơ quan hiệp quản), 281 TTHC của khối quận, huyện, thị xã và 157 TTHC của khối phường, xã, thị trấn.
Công tác CCHC là nhiệm vụ thường xuyên, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; từ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia giải quyết TTHC đến người đứng đầu địa phương, đơn vị. Do đó, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực chuyên môn của cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là vô cùng quan trọng. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhận định, phải cải cách từ ý thức, tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ của mỗi người trong bộ máy hành chính. Việc xây dựng phòng tiếp dân; bảo đảm 100% cơ sở và các ngành có bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông"; hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ thông tin; đổi mới quy trình thủ tục… mới chỉ là những yếu tố cần. Chất lượng công tác CCHC vẫn phụ thuộc cơ bản vào yếu tố con người thực hiện, con người vận hành trong bộ máy hành chính của các cấp chính quyền và các sở, ngành.
Để xây dựng đội ngũ CBCCVC từ thành phố tới cơ sở, Hà Nội đã tiến hành tổ chức điều tra xã hội học về năng lực, ý thức, thái độ phục vụ của CBCCVC, từ đó tăng cường đào tạo nâng cao phẩm chất, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp hành chính, nhất là đối với CBCCVC làm việc tại bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông". Cùng với đó, thành phố cũng đã gấp rút triển khai Đề án thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn; mở 8 lớp đào tạo cán bộ chủ chốt về xây dựng cơ quan điện tử, chính quyền điện tử trong cơ quan nhà nước; bồi dưỡng kỹ năng quản lý, điều hành cho 2.000 cán bộ chủ chốt các xã, phường, thị trấn; mở 5 lớp nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở về quản lý địa chính, xây dựng, nông nghiệp và môi trường… Đặc biệt, thành phố đang tích cực, khẩn trương hoàn thiện Đề án "Xây dựng cơ cấu công chức gắn với vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh ở các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã" và các quy định cụ thể về thu hút, sử dụng, đào tạo tài năng trẻ, nguồn nhân lực chất lượng cao; quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức gắn với chức danh và vị trí việc làm…
"Bốc thuốc chữa bệnh"
Kết quả điều tra xã hội học về đánh giá sự hài lòng của người dân trong quá trình giải quyết TTHC do Ban Tuyên giáo Thành ủy thực hiện năm 2012 cho thấy: Việc thực hiện niêm yết công khai, minh bạch các TTHC được đánh giá cao, đạt trên 80%; về quá trình giải quyết TTHC, có 88,6% ý kiến cho rằng giải quyết TTHC đúng hẹn; 87,6% ý kiến ghi nhận khả năng tiếp nhận hồ sơ nhanh, không sai sót; về năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức có tới 93% ý kiến cho rằng đã nắm vững về quy trình, nghiệp vụ… Đây là những con số minh chứng cho hiệu quả việc thực hiện Chương trình số 08 trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên với vai trò là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá, công tác CCHC cũng như việc nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ CBCCVC trên địa bàn Hà Nội còn tồn tại một số bất cập, kết quả thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn.
Trước hết, như đánh giá của lãnh đạo thành phố: Mặc dù có nguyên nhân khách quan là khối lượng công việc luôn quá tải; cơ chế, chính sách luôn thay đổi, thậm chí lạc hậu, mâu thuẫn, khiến phải chờ đợi, khớp nối ý kiến giữa nhiều cơ quan…, nhưng trong khi bộ máy hành chính ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực thì công tác CCHC của các sở, ngành còn chậm chạp, yếu kém, gây phiền hà cho người dân và DN. Việc thực hiện cơ chế "một cửa liên thông" còn nhiều khó khăn vướng mắc, tập trung ở một số lĩnh vực như: quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai, GPMB, đăng ký, cấp phép kinh doanh… Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, thẩm quyền, nhất là cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành và các cấp chính quyền trong một số lĩnh vực chưa cụ thể, thậm chí còn chồng chéo. Bệnh quan liêu, công văn giấy tờ còn chậm được cải thiện.
Bên cạnh đó, thẳng thắn nhìn nhận, phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của một bộ phận CBCCVC hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, còn biểu hiện sách nhiễu, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Vẫn còn tồn tại tình trạng cán bộ thừa hành công vụ lợi dụng vị trí, quyền hạn được giao, gây khó khăn trong giải quyết TTHC để trục lợi, tham ô, tham nhũng, gây dư luận xấu. Cùng với những nguyên nhân khách quan, yếu tố tiêu cực xuất phát từ con người thực thi công vụ đã tạo nên những "bệnh lý" nguy hiểm trong bộ máy hành chính, làm cản trở quá trình phát triển.
Chương trình 08 chính là "liều thuốc" đặc trị để chữa những chứng bệnh trên. Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, chắc chắn Hà Nội sẽ từng bước xây dựng được nền hành chính công khai, minh bạch, góp phần để Thủ đô phát triển tương xứng với vị thế, tiềm năng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.