(HNM) - Để cung cấp thực phẩm tươi sống cho người dân thành phố, tiểu thương tại các chợ đầu mối và nhân công ở các lò giết mổ gia súc, gia cầm phải làm việc thâu đêm. Thức cùng họ là đội ngũ cán bộ thú y, thủy sản, quản lý thị trường…
Tuy nhiên, do đặc thù công việc chỉ làm vào ban đêm nên dù rất cố gắng song nhiều khâu, nhiều vị trí đã xuất hiện những "lỗ hổng", ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP). Phóng viên Báo Hànộimới đã có những đêm trắng theo chân lực lượng này để có cái nhìn khách quan về những khó khăn, vất vả của "cán bộ thực phẩm" và đường đi phức tạp của thực phẩm tại các chợ và khu giết mổ tập trung trên địa bàn Hà Nội.
Lò mổ Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) mỗi ngày giết mổ hơn 1.000 con lợn. |
Trắng đêm vì mâm cơm mỗi gia đình
Hơn 1h sáng, con đường nối từ quốc lộ 1 đi qua xã Ngũ Hiệp, xã Đông Mỹ lên đê hữu Hồng đến xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) tấp nập xe máy. Dưới ánh đèn loang loáng, chúng tôi nhìn rõ những con lợn thịt không bao bì, không che chắn, vắt ngang chềnh ềnh trên xe máy lao vun vút. Không cần ai chỉ đường chúng tôi cũng tìm được lò mổ Vạn Phúc bởi đèn điện chói lóa, tiếng lợn kêu ồn ã. Bên trong lò mổ là không khí khẩn trương, chuyên nghiệp, hàng trăm người đang miệt mài với công việc. Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ở xã Vạn Phúc rộng hơn 1ha gồm 3 dãy nhà giết mổ và 3 khu xử lý nội tạng, hiện có 24 hộ kinh doanh.
Lẫn trong những nhân công mổ lợn và người đến mua hàng là các kiểm soát viên thú y. Trên tay cầm một con dao nhỏ, một dấu lăn, chị Nguyễn Thị Thu Huyền, kiểm soát viên Trạm thú y Thanh Trì luôn tay lật từng thân lợn, nhìn kỹ trên bề mặt da, tìm kiếm các dấu hiệu bất thường... Có mặt tại đây từ giữa đêm và công việc của chị Huyền bắt đầu khi lò mổ vận hành. Trước tiên, bằng cảm quan và kinh nghiệm, chị Huyền kiểm tra lâm sàng, chỉ những con lợn khỏe mạnh mới được đưa vào mổ; sau khi mổ, miếng thịt lợn tươi, bì có màu trắng, không có dấu hiệu bất thường; nội tạng không có hiện tượng xuất huyết, không có nốt… chị mới có căn cứ kết luận lợn đủ điều kiện ATTP rồi lăn dấu kiểm dịch.
Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, chị Huyền vẫn không rời vị trí vì dây chuyền giết mổ liên tục vận hành. “Nhà tôi cách lò mổ 14km, những ngày trực đêm tôi phải rời nhà từ 22 đến 23h đêm hôm trước để đề phòng sự cố trên đoạn đường đê hẻo lánh. Đến nơi làm việc, khi lăn dấu kiểm soát lên một con lợn, chúng tôi luôn phải ý thức về trách nhiệm của mình với sự an toàn của mâm cơm mỗi gia đình. Tuy vất vả, nhưng đã xác định theo nghề thì cố gắng hoàn thành nhiệm vụ” - chị Huyền chia sẻ.
Ngoài những cán bộ thú y làm việc tại nơi giết mổ, tại lò mổ Vạn Phúc còn khoảng 20 cán bộ thú y khác thực hiện kiểm soát các khâu “trước” và “sau” giết mổ. Theo đó, khâu “trước” - kiểm tra đầu vào, trạm kiểm soát đặt tại cửa ra vào - có nhiệm vụ kiểm soát các giấy tờ theo quy định, kiểm tra lâm sàng. Khâu “sau” là kiểm tra con dấu và phát cho tiểu thương Giấy chứng nhận sản phẩm gia súc đã thực hiện kiểm soát giết mổ. Chị Trương Anh Đào, cán bộ thú y trực cửa ra vào khu lò mổ cho biết, trong khoảng thời gian từ 0h45 đến 3h45 đã có khoảng 1.400 phiếu được phát cho các tiểu thương.
Vẫn còn những lỗ hổng
Rời lò mổ Vạn Phúc, chúng tôi đến chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm). Dù là chợ dân sinh loại 2 nhưng Phùng Khoang hoạt động như một chợ đầu mối, bán đủ mặt hàng thực phẩm, từ rau củ quả đến thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thủy sản… Từ ngay lối vào, trên nền chợ la liệt các mặt hàng nông sản, cùng với đó là rác vương vãi khắp nơi.
Ông Vũ Xuân Thăng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thống Nhất - đơn vị quản lý chợ Phùng Khoang cho biết, chợ có 687 hộ kinh doanh cùng khoảng 100 hộ buôn bán vãng lai. Mới đây, quận Nam Từ Liêm đã thành lập Trạm kiểm tra vệ sinh ATTP tại chợ. Tuy nhiên, theo ông Thăng, việc kiểm tra các loại thực phẩm bày bán ở đây không dễ vì hàng rau, củ, quả hầu hết không có nhãn mác nên việc truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn; mặt hàng thủy sản hiện chưa có cán bộ kiểm tra...
Tảng sáng cũng là lúc cán bộ thú y phường Trung Văn và Trạm thú y quận Nam Từ Liêm có mặt. Chị Nguyễn Thị Thanh Mai, cán bộ Trạm thú y quận Nam Từ Liêm đi dọc hàng thịt rồi dừng lại ở một sạp hàng kiểm tra ngẫu nhiên. Với dụng cụ duy nhất trên tay là chiếc máy đo PH (đo độ tươi của thịt), chị Mai đã kiểm tra nhanh (test) một số mẫu thịt lợn, thịt gà trước sự chứng kiến của phóng viên. Kết quả thu được từ sạp hàng thịt lợn của ông Dương Văn Cường (ở cầu 31, dãy C, bàn số 2) độ PH là 6,0; thịt gà của sạp hàng bà Trịnh Thị Nhạn (cầu 33, bàn số 10) độ PH là 6,12... “Toàn bộ các chỉ số vừa đo đều trong giới hạn cho phép, tức là độ tươi ngon của miếng thịt được bảo đảm” - chị Mai giải thích.
Nói về khó khăn trong công việc, chị Mai thẳng thắn: Đây là công việc khá nhạy cảm, nhất là thời điểm tiểu thương vừa chuyển thịt đến chợ, nếu kiểm tra ngay nhiều người sẽ phản ứng vì “chưa bán hàng đã bị ám”. 16 năm công tác trong Ngành Thú y, chị Mai phải đương đầu với nhiều tình huống “dở khóc dở cười”, thậm chí đã mấy lần bị dọa đánh. “Những lúc như vậy, chúng tôi phải khéo léo giải thích để người dân hiểu và chấp hành” - chị Mai bày tỏ.
Sáng 1-11, trời chuyển lạnh đầu đông và mưa tầm tã, chúng tôi có mặt tại chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai) - chợ đầu mối nổi tiếng kinh doanh buôn bán thủy sản khu vực Hà Nội. Mỗi khi có xe ô tô chở cá, tiểu thương lại ào đến lấy hàng. Tuy là chợ tạm, nhưng mỗi đêm chợ trung chuyển bình quân khoảng 60-70 tấn cá nên một chốt kiểm dịch động vật liên ngành trực thuộc Chi cục Thủy sản Hà Nội đã được lập tại đây. Xoa xoa đôi bàn tay vì lạnh, tranh thủ ăn bát mỳ nóng, anh Đặng Văn Đông, ở xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) nói: “Ngày nào tôi cũng chở khoảng 1 tấn cá về đổ buôn ở chợ này. Vì là khách quen nên việc ra vào chợ cũng dễ dàng bởi các bác ấy (cán bộ thú y và ban quản lý chợ - PV) đều đã biết được nguồn gốc thủy sản của chúng tôi”.
Quan sát tại chốt kiểm dịch động vật liên ngành đặt tại cửa chợ cá Yên Sở, chúng tôi không thấy bóng dáng của cán bộ, các xe ô tô chở cá đến tự vào vị trí đã quen mà không có người kiểm soát hàng trên xe. Thắc mắc với ông Trịnh Cao Phượng, Tổ trưởng Tổ quản lý chợ cá Yên Sở, ông Phượng đưa chúng tôi vào gặp chị Phạm Thị Thu Nga - cán bộ trực chốt kiểm dịch gần cổng chợ. Chị Nga cho biết: “Theo quy định, chốt trực phải đủ lực lượng, gồm cán bộ thủy sản, cán bộ quản lý thị trường và công an. Hôm nay mọi người có việc nên vắng mặt tạm thời, nếu có tình huống xảy ra sẽ báo và có mặt ngay để giải quyết”.
Theo sổ ghi chép của chị Nga, trong ca trực có 16 xe được kiểm soát và đều bảo đảm đầy đủ giấy tờ theo quy định, còn việc không ngồi ngoài cabin để kiểm soát, chị Nga phân trần: “Xe cá thường tập trung về từ chiều hôm trước, thời điểm này chủ yếu là xe đến mua cá nên tôi tranh thủ nghỉ một lát”. Khác với lời chị Nga nói, thời điểm chúng tôi có mặt ở đây đã chứng kiến ít nhất 3 xe chở cá đến đổ hàng và chưa thấy ghi trong sổ nhật ký đã xem trước đó. Thực tế này cho thấy rõ ràng việc kiểm soát nguồn hàng vào chợ cá Yên Sở vẫn còn lỗ hổng…
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.