Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thức đêm cùng "cán bộ thực phẩm"

Minh Thúy - Chí Đạo| 05/11/2016 07:22

(HNM) - Đêm trắng của những người “gác cổng” an toàn thực phẩm (ATTP) bộn bề, nhiều áp lực, nhưng những mối lo vẫn luôn hiện hữu. Còn lỗ hổng trong kiểm tra, giám sát thì vẫn còn hiện tượng thực phẩm không rõ nguồn gốc vượt các khâu kiểm dịch. Những bất cập đã được điểm mặt, đặt tên nhưng hóa giải bằng cách nào là chuyện không đơn giản…

Tiểu thương giao hàng tại chợ cá Yên Sở.


Kiểm tra bằng... cảm quan

Trên địa bàn TP Hà Nội có 2 chợ đầu mối là chợ phía Nam (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) và chợ Minh Khai (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm). Theo ghi nhận của phóng viên, Ban Quản lý (BQL) tại các chợ đều đã phân công người phối hợp với cán bộ của Trạm Thú y kiểm tra thực phẩm tươi sống kinh doanh tại chợ, tuy nhiên hoạt động này còn nhiều hạn chế.

Bà Trần Thị Huyền Trang, Phó phòng Chế biến thương mại nông sản thuộc Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết: Theo kết quả của Đoàn kiểm tra tại các chợ đầu mối thực hiện trong tháng 8-2016, cả 2 chợ đều chưa đáp ứng điều kiện đảm bảo ATTP do cơ sở vật chất xuống cấp, các trang thiết bị, điều kiện phụ trợ phục vụ kinh doanh không đáp ứng các quy định. Trong khi đó, việc quản lý nguồn gốc sản phẩm chưa được BQL chợ chú trọng...

Chợ đầu mối là kênh phân phối hàng hóa mà còn nhiều tồn tại như vậy thì thực phẩm ở các chợ tự phát, chợ cóc, chợ tạm… không đảm bảo an toàn cũng là điều dễ hiểu. Đơn cử như chợ nông sản ở phường Văn Quán (quận Hà Đông), bắt đầu hoạt động từ khoảng nửa đêm, càng về sáng, lượng xe ô tô chở rau từ khắp các nơi đổ về càng nhiều hơn. Bà Vũ Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Quán cho biết: Chợ có khoảng 500 xe ô tô tải chở rau quả về mỗi ngày. Việc kiểm tra ATTP do BQL chợ và cán bộ thú y của phường chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, chỉ kiểm tra bằng cảm quan, chứ không có máy móc hay thiết bị test nào được thực hiện. Chỉ khi nghi ngờ có bất thường mới lấy mẫu làm xét nghiệm. Nông sản ở đây hầu như không có bao bì, nhãn mác nên việc truy xuất nguồn gốc không dễ, chỉ căn cứ vào khai báo khó có thể bảo đảm…

Ở lĩnh vực kiểm soát giết mổ cũng còn nhiều điều đáng lo. Toàn thành phố hiện có 17 cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp, 4 cơ sở giết mổ tập trung thủ công và 1.047 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Việc kiểm soát tại các điểm nhỏ lẻ này đang là mối quan ngại của nhiều người. Mỗi ngày, các cơ sở nhỏ lẻ giết mổ hơn 30.000 con trâu, bò, lợn, gà… bằng những dụng cụ thủ công và tỷ lệ kiểm soát giết mổ chỉ đạt khoảng 45%.

Ông Nguyễn Đình Chiến, cán bộ thú y phường Dương Nội (Hà Đông) cho biết: Ngày nào cán bộ thú y của phường cũng kiểm tra vệ sinh ATTP tại các chợ, nhưng không xuể. Chủ yếu chỉ kiểm tra bằng cảm quan và bằng máy đo độ PH (đo độ tươi của thịt). Trong quá trình các hộ giết mổ, cán bộ thú y tìm dấu hiệu bất thường của thực phẩm... bằng mắt, ngoài ra không được trang bị máy móc gì.

Tạo chuyển biến từ đâu?

Những đêm lấy tư liệu tại các chốt kiểm dịch, đi cùng nhân viên trạm thú y, cụm từ mà phóng viên được nghe nhiều nhất là: “Kiểm tra thực phẩm bằng cảm quan, bằng kinh nghiệm”. Với những kiến thức lý thuyết đã được học và bề dày kinh nghiệm, nhiều cán bộ khá tự tin vào việc chẩn đoán lâm sàng trên gia súc, gia cầm.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long thẳng thắn cho rằng, bằng cảm quan, kinh nghiệm thì cả người tiêu dùng lẫn cán bộ kiểm tra đều không thể lựa chọn chính xác thực phẩm an toàn. Hiện trên địa bàn quận có một tổ gồm 5 cán bộ triển khai kiểm tra nhanh (test) thực phẩm, nhưng chi phí test nhanh rau, củ, quả, thịt rất đắt nên việc xác định chất lượng vẫn chủ yếu bằng cảm quan.

Một vấn đề khác là, các cơ quan chức năng cấp huyện khi kiểm tra ATTP các mặt hàng nông sản, thủy sản đều gặp khó khăn khi lấy mẫu test nhanh và truy xuất nguồn gốc. Theo Phó phòng Y tế huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh Huyền thì khó khăn lớn nhất là về nhân lực. Cán bộ của Phòng Y tế và Kinh tế chỉ có một người làm về ATTP nhưng kiêm nhiệm nhiều việc, dẫn tới hiệu quả không cao. Trong khi đó, cán bộ chuyên môn cấp xã trình độ còn thấp, lại do Sở NN&PTNT quản lý nên việc tham mưu cho lãnh đạo xã thường chậm, chưa sâu sát. Thậm chí, một số nơi cán bộ chuyên môn không phối hợp với chính quyền địa phương.

Nhằm tạo chuyển biến trong quản lý ATTP, từ tháng 1-2016, Hà Nội đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận và 10 phường. Sau 9 tháng triển khai, kết quả xử lý vi phạm hành chính trong thanh tra chuyên ngành ATTP đã cao hơn trước đây. Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Long, do lực lượng mỏng, chủ yếu mới chỉ tập trung thanh tra ATTP ở lĩnh vực y tế. Hơn nữa, việc thanh tra chuyên ngành ATTP vẫn chủ yếu theo kế hoạch, ít thanh tra đột xuất.

Cũng về việc thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP, ông Hoàng Đức Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung (Đông Anh) cho biết, dù đã được trao quyền nhưng việc giám sát ATTP tại cơ sở rất khó khăn bởi người dân chủ yếu sản xuất, nuôi trồng thủ công, nhỏ lẻ. Vì thế, chúng tôi xác định những đối tượng có nguy cơ mất ATTP, mời họ đến tập huấn để tăng cường ý thức tự giác và tuyên truyền chứ không đặt mục tiêu tiến hành được bao nhiêu cuộc thanh, kiểm tra.

Để tháo gỡ những khó khăn trong công tác đảm bảo ATTP, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Đỗ Đức Trung đề nghị Bộ Tài chính cần thống nhất định mức chi công tác quản lý chất lượng ATTP, đồng thời hướng dẫn thu phí, lệ phí trong việc cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần quan tâm đầu tư phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật về kiểm nghiệm (máy test nhanh) chất lượng ATTP. Các sở, ngành khi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cần gửi thông báo về địa phương để thuận lợi cho quản lý, theo dõi. Cùng với đó, lực lượng chức năng các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra đột xuất để chợ đầu mối đi vào hoạt động quy củ…

Tuy nhiên, nếu hoạt động giết mổ vẫn không tập trung, cơ sở hạ tầng chợ đầu mối chưa được cải thiện, chợ dân sinh phát triển không đúng quy hoạch… thì các quy định về ATTP sẽ khó thực hiện đầy đủ và nghiêm túc.

Đưa 3 xe kiểm nghiệm thực phẩm vào hoạt động

Tập đoàn Vingroup vừa trao tặng đợt đầu 3 xe chuyên dụng phục vụ công tác kiểm tra ATTP cho TP Hà Nội. Đây là dòng xe lưu động của Mỹ được sản xuất năm 2016 với trang bị hiện đại, có khả năng kiểm tra nhanh, sàng lọc, lấy mẫu tại chỗ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho lực lượng phản ứng nhanh trong công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá chất lượng vệ sinh ATTP. Xe trang bị đầy đủ và đồng bộ các trang thiết bị chuyên biệt, bảo đảm kiểm tra nhanh những yếu tố quyết định chất lượng thực phẩm như: Tủ mát đựng mẫu và test thử, máy xay mẫu thực phẩm, máy lắc, máy ly tâm, bể điều nhiệt, thiết bị kiểm tra vệ sinh công nghiệp, kit thử độc tố, vi khuẩn, vi rút… 

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, các cán bộ làm công tác xét nghiệm đã được tập huấn và quy trình đăng ký vận hành xe đã hoàn tất. Bắt đầu từ tháng 11-2016, xe chính thức được đưa vào vận hành tại những nơi tập kết, cung cấp nhiều thực phẩm tươi sống như: Chợ đầu mối, siêu thị… để xét nghiệm định tính hóa chất trong sản phẩm. Sau khi kiểm tra nhanh các thực phẩm thiết yếu: Rau, củ, quả, thịt, cá…, nếu có vấn đề, mẫu nghi ngờ sẽ được đưa tới các phòng kiểm định chuyên sâu.

Thu Trang

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thức đêm cùng "cán bộ thực phẩm"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.