Công nghệ

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

Thu Hằng 09/11/2023 - 06:07

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp được xác định là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Các chuyên gia cho rằng, cần sớm hóa giải những điểm nghẽn, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, từ đó giúp nông nghiệp Thủ đô phát triển bền vững...

khoa-hoc.jpg
Giới thiệu với khách hàng các sản phẩm của Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc - doanh nghiệp khoa học và công nghệ có định hướng phát triển thành doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

Doanh nghiệp chưa "mặn mà" với nông nghiệp

Chương trình số 07-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” đã đặt ra nhóm chỉ tiêu phấn đấu đạt được đến năm 2025, trong đó đáng chú ý là chỉ tiêu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp đạt trên 70%. Hiện nay, tỷ lệ này đạt khoảng 40%.

Đánh giá về thực trạng ngành Nông nghiệp Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU Nguyễn Văn Phong cho rằng, tuy có tiềm năng và thế mạnh về khoa học công nghệ nhưng ngành Nông nghiệp Thủ đô đang đối mặt với tất cả những điểm nghẽn của ngành Nông nghiệp Việt Nam. Đó là có ít doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, thiếu mô hình nông nghiệp công nghệ cao...

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội chủ yếu vẫn ở quy mô hộ gia đình, manh mún, nhỏ lẻ. Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp và lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng có xu hướng giảm. Vì vậy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là cần thiết đối với Hà Nội.

Nguyên Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) Lê Thanh Hiếu cho biết, trong số hơn 150 doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Hà Nội, có 24 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trên địa bàn thành phố có 20 doanh nghiệp bước đầu tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, mới chỉ có duy nhất Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao vừa là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao vừa là doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

“Số lượng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố còn ít, quy mô nhỏ, công nghệ được lựa chọn ứng dụng chưa đa dạng và chưa có nhiều đột phá; việc nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao rất khó khăn. Mặt khác, Hà Nội chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, bà Lê Thanh Hiếu thông tin thêm.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc - một doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiên phong trong nuôi trồng đông trùng hạ thảo, cho biết, công ty đã có định hướng phát triển thành doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, song hiện có rất nhiều khó khăn để đạt được mục tiêu này. Đó là, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi phải đầu tư về cơ sở hạ tầng, thiết bị và công nghệ mới. Điều này có thể tạo ra áp lực tài chính đối với công ty. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh đòi hỏi công ty phải có đội ngũ nhân lực có kỹ năng và kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao. Việc tìm kiếm, thu hút và đào tạo nhân sự phù hợp đang gặp khó khăn và đòi hỏi thời gian và nguồn lực...

Đặc biệt, để được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì doanh nghiệp phải trải qua quá trình thẩm định hồ sơ với nhiều thủ tục và quy định khá rườm rà.

Cần có cơ chế, chính sách tạo đột phá

Thời gian qua, Hà Nội đã có những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và bước đầu đạt được những thành công. Tuy nhiên, kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng. Cùng với đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông minh còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, chưa phù hợp với thực tế nên khó thu hút được các nguồn lực xã hội, chưa hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô hiện gặp khó khăn về vốn và quỹ đất.

Cụ thể, vốn sử dụng cho sản xuất công nghệ cao lớn hơn nhiều so với sản xuất truyền thống, trong khi chưa có chính sách hỗ trợ tiếp cận. Thành phố chưa có quỹ đất ổn định cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Do chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng ban đầu cho dự án công nghệ cao ở Hà Nội lớn hơn so với các tỉnh, thành phố lân cận nên người dân và doanh nghiệp không yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Vì vậy, rất cần có cơ chế, chính sách đột phá hơn nữa, đặc biệt là trong vấn đề đất đai, quy hoạch phát triển... để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường.

Nguyên Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) Lê Thanh Hiếu cho rằng, để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ để các doanh nghiệp “mặn mà” hơn và thu hút được nhiều hơn doanh nghiệp tham gia với vai trò chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố và các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia; cần tổng kết đánh giá vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, hỗ trợ liên kết 3-4-5 “nhà” (Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà bank (ngân hàng) - nhà báo) trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, nông hộ đã chủ động đầu tư, mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.