Văn hóa

Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững

Đình Hiệp 16/09/2023 - 12:13

Sáng 16-9, trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã diễn ra phiên thảo luận chuyên đề 3 với chủ đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững”.

Ông Kamal Ait Mik, Nghị sĩ Morocco, thành viên Ban lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) chủ trì phiên thảo luận.

toan-canh.jpg
Phiên thảo luận chuyên đề 3.

Lồng ghép đa dạng văn hóa vào chính sách quốc gia

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, ông Kamal Ait Mik cho biết, trong bối cảnh thế giới hiện nay, việc tôn trọng đa văn hóa để hướng đến phát triển bền vững là cần thiết. Vào tháng 6-2023, Morocco đã chủ trì Diễn đàn Liên tôn giáo, với sự tham gia của đại diện các nền tôn giáo lớn.

“Việc đối thoại liên tôn giáo, liên văn hóa, thúc đẩy đa dạng văn hóa là rất cần thiết. Đặc biệt, cần hướng tới những người yếu thế như phụ nữ, trẻ em, những người di cư, thanh niên, người tàn tật. Trong hội nghị này, chúng ta hướng tới đối tượng thanh niên, những chủ thể của tương lai, đóng vai trò quan trọng và cần có những vị trí tốt hơn nữa trong xã hội” - ông Kamal Ait Mik nhấn mạnh.

t-4.jpg
Ông Kamal Ait Mik, Nghị sĩ Morocco, thành viên Ban lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU chủ trì phiên thảo luận.

Về chủ đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, ngay từ Tuyên ngôn thế giới về đa dạng văn hóa 2001, UNESCO khẳng định, đa dạng văn hóa là tài sản chung quý giá của nhân loại, cần thiết đối với nhân loại như đa dạng sinh học đối với tự nhiên, là khởi nguồn cho giao lưu, đổi mới và sáng tạo.

Tại Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa (Công ước 2005), UNESCO tiếp tục khẳng định, đa dạng văn hóa là một đặc tính của nhân loại, cần được tôn vinh và bảo vệ vì lợi ích của tất cả mọi người. Đa dạng văn hóa là một động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các cộng đồng, các dân tộc và các quốc gia, là yếu tố không thể thiếu đối với hòa bình và an ninh ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế.

t-3.jpg
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận.

Việt Nam là đất nước có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa hàng ngàn năm. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa 54 dân tộc anh em. Cộng đồng 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam đều chung một ý thức quốc gia - dân tộc, đều chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Trong đó, Nhà nước Việt Nam đã, đang thực thi và không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách theo phương châm xuyên suốt “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững”. Ý thức sâu sắc được trách nhiệm của mình thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững, Quốc hội Việt Nam đã ban hành một số chủ trương, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, đa dạng văn hóa được xem là nguồn lực cho sự phát triển của thế giới hiện tại cũng như tương lai. Tuy nhiên, đa dạng văn hóa ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là những thách thức phi truyền thống của một kỷ nguyên số và toàn cầu hóa, ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững của di sản văn hóa, văn hóa tộc người. Vì vậy, phiên thảo luận toàn thể 3 với chủ đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

t-2.jpg
Các đại dự phiên thảo luận toàn thể 3.

“Chúng ta sẽ cùng nhau tập trung thảo luận về vai trò của các nghị viện và nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số và toàn cầu hóa, tập trung vào các nội dung: Hợp tác kỹ thuật số dựa trên đạo đức và giảm thiểu tác động không mong muốn của chuyển đổi số đối với quyền riêng tư, bảo mật và hạnh phúc. Phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa, tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa. Vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa trong phát triển bền vững” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn gợi mở.

Tôn trọng sự đa dạng văn hóa của nhau

trinh-xuan-an.jpg
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An phát biểu thảo luận.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An cho biết, đa dạng văn hóa là nền tảng quan trọng cho sự thúc đẩy văn hóa trong phát triển bền vững và thịnh vượng của các quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các quốc gia cần tiếp tục bảo tồn, thúc đẩy bản sắc văn hóa, tôn trọng sự đa dạng văn hóa của nhau, chia sẻ thúc đẩy những đặc sắc văn hóa của các cộng đồng vì sự phát triển chung. Đồng thời, tôn trọng các quốc gia, hợp tác với các quốc gia để cùng nhau thúc đẩy đa dạng văn hóa thay vì gây ra xung đột, mâu thuẫn trong bối cảnh rất phức tạp hiện nay....

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, ở Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, thanh niên đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy đa dạng văn hóa. Giới trẻ đang tạo ra những hình thức thúc đẩy văn hóa mới như nghệ thuật số, nghệ thuật truyền thông; văn hóa đang ngày càng trở nên đa dạng nhờ sự đóng góp của thanh niên.

“Để thúc đẩy hơn nữa vai trò, thế mạnh của giới trẻ trong thúc đẩy đa dạng văn hóa, cần khuôn khổ chính sách toàn diện, khuyến khích sự tham gia lành mạnh của thanh niên. Các nghị viện cần đóng góp vai trò chính trong xây dựng các chính sách quản trị; các nhà hoạch định chính sách cần có những nguyên tắc đa dạng văn hóa tổng quan, đưa những nguyên tắc này vào những chính sách và hoạt động hợp tác của thanh niên” - đại biểu Trịnh Xuân An kiến nghị.

Đại biểu của Bosna và Hercegovina nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa và cho biết, quốc gia này tôn trọng sự đa dạng văn hóa, từ đó khai thác được những điểm khác biệt.

Theo đại biểu của Bosna và Hercegovina, đa dạng văn hóa là yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và đối thoại. Đa dạng văn hóa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế, kể cả ở những nền kinh tế có quy mô nhỏ. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp, các nước chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo thì nhiều chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là xây dựng lòng tin. Xây dựng lòng tin có thể thông qua đối thoại và các hoạt động gắn kết, và Hội nghị Nghị sĩ trẻ lần này là minh chứng cho nỗ lực đó.

indonesia.jpg
Nghị sĩ Indonesia chia sẻ, quốc gia này có sự đa dạng văn hóa cao, với nhiều dân tộc và hàng trăm ngôn ngữ.

Thảo luận tại diễn đàn, nghị sĩ Indonesia chia sẻ, quốc gia này có sự đa dạng văn hóa cao, với nhiều dân tộc và hàng trăm ngôn ngữ. Indonesia là một trong những quốc gia đa dạng văn hóa nhất trên thế giới. Sự đa dạng văn hóa, tôn giáo được thống nhất trên nền tảng nguyên tắc: Thống nhất trong đa dạng. Tuy có nhiều khác biệt văn hóa, nhưng người dân Indonesia luôn có sự gắn kết, tận dụng tri thức địa phương để giúp quốc gia đạt được sự phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.