(HNM) - Nếu như thời điểm này những năm trước, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh khi nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao, thì năm nay lại lâm vào cảnh đìu hiu bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện các ngân hàng đã, đang triển khai nhiều chương trình hấp dẫn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung từ đầu năm 2020 đến hết tháng 11, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 4.590,7 nghìn tỷ đồng. Để góp phần tăng mức tiêu dùng trong dịp Tết, các ngân hàng tiếp tục có nhiều chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi.
Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất cho vay với khách hàng cá nhân vay tiêu dùng như mua nhà, xây sửa nhà, mua xe ô tô được áp dụng từ 6,79%/năm, cố định trong 6 hoặc 12 tháng đầu. Thậm chí, có nhiều gói vay tiêu dùng ưu đãi lãi suất chỉ từ 5,7%/năm. Hay như đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) cho vay với lãi suất từ 7,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân đến hết ngày 31-1-2021. Nếu chọn vay thời gian cố định lãi suất 3 tháng hoặc 6 tháng đầu, lãi suất có thể áp dụng thấp, chỉ từ 2,99%/năm.
Còn tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đang đưa ra gói tín dụng 8.000 tỷ đồng ưu đãi áp dụng cho khách hàng cá nhân tham gia vay vốn phục vụ các mục đích vay mua nhà, mua ô tô, vay tiêu dùng và sử dụng tài khoản thanh toán SHB. Theo đó, mức lãi suất vay mua nhà đất điều chỉnh từ 7,5%/năm xuống còn 6,5%/năm và lãi suất vay mua nhà dự án, mua ô tô, tiêu dùng giảm chỉ còn 6,8%/năm...
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, ngân hàng liên tục triển khai nhiều chương trình cho vay tiêu dùng để khách hàng có nhu cầu vốn chính đáng với yêu cầu về hồ sơ vay vốn giải quyết nhanh gọn, ưu tiên thực hiện xét duyệt, giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng cho một lần. Chương trình cho vay khá đa dạng: Cho vay đối với khách hàng cá nhân thông qua tổ vay vốn/tổ liên kết, tổ cho vay lưu động; cho vay lưu vụ; cho vay phục vụ đời sống; cho vay qua các điểm giao dịch bằng ô tô chuyên dùng… Đến nay, chương trình đã đạt hơn 400 nghìn lượt khách hàng vay vốn, với doanh số cho vay gần 20 nghìn tỷ đồng.
Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay VND được các ngân hàng áp dụng phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm tỷ trọng 19,7% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, trong giai đoạn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng. Ngoài ra, nhu cầu vay vốn của người dân hiện nay vẫn rất lớn, "tín dụng đen" có dấu hiệu tăng nhanh, vì vậy phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ hạn chế và đẩy lùi được tình trạng này.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, với sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống ngân hàng, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực hạn chế “tín dụng đen”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.