(HNM) - Trên địa bàn Hà Nội hiện nay vẫn còn nhiều dự án đầu tư xây dựng trạm bơm thoát nước cho các khu vực nội đô theo quy hoạch còn chậm triển khai. Một số khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, một số tuyến mương nông nghiệp chuyển sang phục vụ thoát nước đô thị nhưng chưa được bàn giao cho đơn vị quản lý… Đây là những tồn tại được HĐND thành phố Hà Nội chỉ rõ sau đợt giám sát tại một số đơn vị về công tác thoát nước đô thị.
Xóa được 5/16 điểm ngập úng
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Công, hệ thống nước thải khu vực đô thị của thành phố được thu gom và xử lý theo 39 lưu vực, gồm 41 nhà máy với công suất dự kiến đến năm 2030 là 1.808.300m3/ ngày - đêm, đến năm 2050 là 2.482.300m3/ngày - đêm. Những năm qua, hệ thống thoát nước được quản lý, vận hành an toàn, các công trình đầu tư có hiệu quả, tình trạng úng ngập khu vực nội thành từng bước được cải thiện.
Một số khu vực thường xuyên úng ngập cục bộ đã được giải quyết, giúp giảm thiểu đáng kể tình trạng này. Đến nay, đã xóa được 5/16 điểm ngập úng trên các tuyến phố: Thanh Đàm, Trường Chinh, Giải Phóng, Đội Cấn, Phạm Văn Đồng do các dự án đã triển khai hoàn thành, phát huy hiệu quả thoát nước. Tại 5 điểm trên các tuyến phố: Thụy Khuê, Minh Khai, Hoa Bằng, Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp đã giảm thiểu thời gian và chiều sâu úng ngập khoảng 50% so với trước đây. Riêng điểm úng ngập tại phố Nguyễn Khuyến (quận Đống Đa), qua theo dõi các trận mưa năm 2021 cho thấy, sau khi đưa công trình bể điều tiết Nguyễn Khuyến vào vận hành đã giảm khoảng 70% mức độ ngập so với năm 2020.
Cũng theo Sở Xây dựng, nhiều năm qua, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình xử lý nước thải. Đến nay, tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý theo quy chuẩn, tiêu chuẩn khu vực đô thị đạt 28,8% (tổng công suất 267.300m3/ ngày - đêm). Dự kiến, đến năm 2024, khi dự án Xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, công suất 270.000m3/ngày - đêm hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ nâng tổng công suất xử lý nước thải đô thị lên 537.000m3/ngày - đêm, đạt khoảng 50% lượng nước thải trên địa bàn được xử lý.
Cần tập trung nguồn lực đầu tư
Qua giám sát của HĐND thành phố Hà Nội, bên cạnh những kết quả trên, vẫn còn nhiều dự án đầu tư xây dựng trạm bơm thoát nước chính cho các đô thị thuộc Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội còn chậm được triển khai. Công tác bàn giao, tiếp nhận để đưa vào quản lý, khai thác còn chậm, dẫn đến chưa phát huy hiệu quả sau đầu tư. Một số dự án cấp bách từ nhiều năm trước nhưng đến nay chậm thực hiện thanh, quyết toán. Việc triển khai một số dự án mới còn nhiều bất cập, chậm được xem xét giải quyết, tháo gỡ.
Đặc biệt, các thông số kỹ thuật như cao độ mực nước tính toán, cao độ quy hoạch, kích thước các tuyến thoát nước, hướng nước chảy, chế độ hoạt động của hệ thống thoát nước không phù hợp với hiện trạng cốt nền và hệ thống thoát nước hiện có. Quan trọng nhất là thiếu tính liên thông giữa quy hoạch xây dựng với quy hoạch thoát nước giữa các khu vực. Vì thế, hiện vẫn còn 5 điểm chưa cải thiện nhiều về tình trạng úng ngập, gồm: Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Phùng Hưng, Cao Bá Quát, Nguyễn Chính, đường gom Đại lộ Thăng Long.
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các dự án thoát nước và xử lý nước thải cần nguồn kinh phí đầu tư rất lớn, thời gian thực hiện lâu dài, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, việc đầu tư xã hội hóa không hấp dẫn các nhà đầu tư. Đến nay, các dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải đưa vào danh mục đề xuất kêu gọi xã hội hóa đều chưa có nhà đầu tư tham gia.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho rằng, để giải quyết các tồn tại trong lĩnh vực thoát nước, HĐND thành phố đề nghị Sở Xây dựng tham mưu, chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành 5 công trình sửa chữa, cải tạo thoát nước, gồm: Khu vực gầm cầu Vĩnh Tuy; phố Khương Hạ (ngã ba Khương Hạ đến sông Tô Lịch); đường Nguyễn Trãi; phố Triều Khúc; cải tạo ô số 4 bãi C Yên Sở mở rộng. Ngoài ra, HĐND thành phố cũng yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương rà soát Quy hoạch thoát nước Thủ đô, đề xuất điều chỉnh, bổ sung bảo đảm phù hợp thực tiễn, báo cáo UBND thành phố.
“HĐND thành phố đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu UBND thành phố tổng hợp, lập kế hoạch chung và giao kế hoạch, bố trí đủ nguồn vốn các dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước và xử lý nước thải bằng nguồn vốn ngân sách”, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.
HĐND thành phố cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình thoát nước và xử lý nước thải đang thực hiện; đồng thời bàn giao các hạng mục công trình thoát nước đã thi công xong để quản lý theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.