Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược

Đình Hiệp| 02/04/2013 06:28

(HNM) - Tạm gác những lo toan bảo vệ đất nước Mặt trời mọc trước những thách thức an ninh ngày càng lớn, Thủ tướng S.Abe vừa có chuyến công du đầu tiên tới Mông Cổ kể từ khi nhậm chức tháng 12 năm ngoái.

Dù không nhiều thỏa thuận hợp tác được tiết lộ, nhưng sự hiện diện của một Thủ tướng Nhật Bản lần đầu tiên trong 7 năm qua tại thủ đô Ulan Bator là dấu hiệu cho thấy một tương lai đầy hứa hẹn trong quan hệ giữa hai nền kinh tế sau hơn 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Thủ tướng Shinzo Abe (trái) và Thủ tướng Norov Altankhuyag trước cuộc hội đàm tại thủ đô Ulan Bator.


Diễn ra trong bối cảnh tranh cãi căng thẳng giữa Nhật Bản với Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông vẫn chưa đi đến hồi kết, một trong những ưu tiên của Thủ tướng S.Abe trong chuyến công du là kiếm tìm sự ủng hộ của Mông Cổ để góp phần giải quyết tranh chấp biển đảo với quốc gia khổng lồ. Với những lợi thế địa - chiến lược - có đường biên giới trải dài với cả ba nước Nga, Trung Quốc và Pakistan; đồng thời có quan hệ mật thiết với Triều Tiên - Tokyo nhìn nhận Mông Cổ như một nhân tố tích cực có thể làm cầu nối thúc đẩy hợp tác kinh tế cũng như ngoại giao và an ninh khu vực. Điều đó lý giải vì sao Thủ tướng S.Abe lại đề nghị Mông Cổ làm "trung gian hòa giải" giúp Nhật Bản giải quyết vấn đề công dân nước này bị Triều Tiên bắt cóc - để đào tạo tiếng Nhật và phong tục tập quán cho các điệp viên Triều Tiên - trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước.

Cùng với mối quan tâm chung về tình hình an ninh khu vực, làm thế nào để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại song phương là nội dung được Thủ tướng S.Abe ưu tiên bàn thảo với Tổng thống Mông Cổ Tsakhia Elbegdorj và Thủ tướng Norov Altankhuyag trong chuyến thăm. Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Mông Cổ sau Trung Quốc, Nga và Mỹ; trong khi đó, Mông Cổ trên bản đồ thương mại Nhật Bản chỉ đứng thứ 102. Nhưng, với tiềm năng và thế mạnh của hai bên - Nhật Bản mạnh về công nghệ, Mông Cổ giàu về tài nguyên - thì kết quả trên là khá khiêm tốn. Với vị thế của nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Mông Cổ hiện nay, Thủ tướng S.Abe khẳng định trong các cuộc hội đàm rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt là trong xây dựng cơ sở hạ tầng để Mông Cổ phát triển xứng tầm với khu vực.

Là quốc gia nằm ở khu vực Trung Á, diện tích rộng tới 1,5 triệu ki lô mét vuông, nhưng dân số của Mông Cổ lại chưa đầy 3 triệu người. Quốc gia có mật độ dân cư thưa nhất thế giới từ lâu không chỉ được biết đến là nơi có trữ lượng than lớn, mà còn có nhiều nguồn khoáng sản quý khác như vàng, đồng, urani và có khả năng có trữ lượng lớn kim loại hiếm và đất hiếm. Trong khi đó Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - luôn phải cố gắng bảo đảm nguồn cung tài nguyên từ bên ngoài với chi phí thấp, vì đa số các nhà máy điện hạt nhân đã phải ngừng hoạt động sau sự cố Nhà máy hạt nhân Fukushima 1 do thảm họa động đất, sóng thần tháng 3-2011 gây ra. Đa dạng hóa nguồn cung năng lượng - đặc biệt là đất hiếm để phục vụ công nghiệp điện tử - càng có ý nghĩa quan trọng với Nhật Bản khi đang phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung từ Trung Quốc.

Vì thế, trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng S.Abe đặc biệt nhấn mạnh sẵn sàng hỗ trợ Mông Cổ phát triển kinh tế cũng như thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) mà hai nước đã xúc tiến từ năm 2011. Việc sớm ký kết hiệp định có tầm quan trọng đặc biệt đối với Mông Cổ khi đây là EPA đầu tiên của Ulan Bator với nước ngoài. Còn với Nhật Bản - một trong những nhà nhập khẩu khoáng sản lớn nhất trên thế giới do nguồn tài nguyên khan hiếm - hiệp định càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh nguồn cung từ Trung Quốc có thể lâm vào thế bấp bênh.

Diễn ra chưa đầy 50 giờ, chuyến công du Mông Cổ của Thủ tướng S.Abe mở ra nhiều triển vọng trong quan hệ hai nước sau gần 3 năm quan hệ Tokyo-Ulan Bator được nâng tầm đối tác chiến lược. Sự kiện Thủ tướng S.Abe chọn một nền kinh tế không mấy tên tuổi nhưng lại có vị trí địa - chiến lược không thể bỏ qua trên bản đồ thế giới cho thấy sự chuyển hướng chiến lược trong chính sách ngoại giao kinh tế của xứ Phù Tang giữa lúc Đông Bắc Á đang đối mặt với nhiều yếu tố dễ gây bùng nổ về an ninh cả trên đất liền cũng như trên biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.