Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Thủ đô: Tạo bứt phá mới

Thu Hằng| 17/05/2023 06:03

(HNM) - Với kỳ vọng mang đến sự phát triển và đổi thay mạnh mẽ cho ngành khoa học công nghệ của Thủ đô, lần đầu tiên, Thành ủy Hà Nội xây dựng một chương trình riêng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đó là Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Nhằm làm rõ hơn những kết quả, thành tựu mà chương trình đã đạt được sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Báo Hànộimới xin giới thiệu đến bạn đọc loạt bài: “Thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Thủ đô: Tạo bứt phá mới”.

Thành phố Hà Nội tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất thuốc tại Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội. Ảnh: Linh Nguyễn

Bài 1: Khơi nguồn lực để phát triển mạnh mẽ

Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những đột phá chiến lược để phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây chính là động lực phát triển mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Chương trình số 07-CTr/TU ra đời không chỉ làm thay đổi nhận thức về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mà còn là nguồn lực quan trọng cho Thủ đô Hà Nội trong việc phát triển nhanh và bền vững.

Nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu thực tế

Thời gian qua, hoạt động phát triển thị trường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức. Các sản phẩm khoa học, công nghệ thực sự trở thành hàng hóa. Thành phố đã tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững. Hiện Hà Nội đang dẫn đầu toàn quốc với 140/650 doanh nghiệp khoa học và công nghệ của cả nước (chiếm 21,5%).

Năm 2022, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 13.663 (chiếm 33,8% và đứng đầu cả nước). Số lượng bằng/giấy chứng nhận sở hữu công nghiệp được cấp năm 2022 trên địa bàn thành phố là 10.387 (chiếm 33% và đứng thứ hai cả nước).

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, tỷ lệ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện theo phương thức tuyển chọn tăng hằng năm. Đến năm 2023, 100% nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện theo phương thức tuyển chọn. Hầu hết các kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng rất cao (tỷ lệ ứng dụng các dự án sản xuất thử nghiệm là 100%, tỷ lệ ứng dụng các đề tài khoảng trên 80%) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chăm sóc hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh).  Ảnh: Nguyễn Quang

Sản phẩm của các công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, góp phần thực hiện tốt 5 định hướng lớn, 3 khâu đột phá, 13 nhiệm vụ - giải pháp và 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU, sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình, tốc độ tăng năng suất lao động trung bình của Hà Nội đạt 4,63%; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố; có 66/133 sản phẩm OCOP của cộng đồng được hỗ trợ bảo hộ, đạt 49,6%; số công bố quốc tế của Hà Nội năm 2022 là 7.528/18.303, chiếm 41,1% công bố quốc tế của cả nước.

Chủ động triển khai, vào cuộc quyết liệt

Những thành quả đáng khích lệ đó có được là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng lòng, dốc sức của các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như người dân. Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu UBND thành phố Hà Nội xây dựng và ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 11-8-2021 để triển khai thực hiện Chương trình. Trong đó phân công các đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện 7 chỉ tiêu, 35 nhiệm vụ, đề án, chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Chương trình.

Công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền các nội dung của Chương trình cũng được triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội đã đăng tải hàng nghìn tin, bài về công tác đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố.

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng cho biết, ngay khi Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy được ban hành, Thành đoàn Hà Nội đã chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch 176 - KH/TĐHN-TNTH về “Hành động của thanh niên tham gia thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU”, tích cực chủ động kêu gọi các nguồn xã hội hóa trong các hoạt động tổ chức chương trình, hội nghị, hội thảo, cuộc thi… về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò xung phong - xung kích của thế hệ thanh niên Thủ đô. Thực hiện Kế hoạch số 185/KH-UBND, Thành đoàn đã chủ động xây dựng dự thảo 5 đề án thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU gửi đến các sở, ban, ngành liên quan để đóng góp ý kiến vào dự thảo. Qua 4 lần đóng góp ý kiến, 5 đề án đã được thành phố phê duyệt vào tháng 9-2022.

Phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” được phát động và triển khai sâu rộng với sự tham gia tích cực của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn thành phố. Nội dung các hoạt động sáng kiến, sáng tạo được gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm của ngành, đơn vị nhằm phát huy tính sáng tạo, khoa học, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu và tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Thủ đô: Tạo bứt phá mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.