Doanh nghiệp

Thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất thang máy

Thanh Hiền 10/12/2023 - 07:19

Công nghiệp hỗ trợ được xác định có vai trò cốt lõi trong phát triển công nghiệp bền vững. Song, hiện nay, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất linh kiện thang máy có số lượng khiêm tốn, chủ yếu sản xuất những chi tiết đơn giản, hàm lượng và giá trị gia tăng thấp, khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một trong những giải pháp để Việt Nam thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.

doanh-nghiep.jpg
Doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm thang máy tại Triển lãm Hàng không quốc tế Việt Nam lần thứ ba.

Còn thiếu doanh nghiệp sản xuất linh, phụ kiện

Theo thống kê từ Hiệp hội Thang máy Việt Nam, đến nay, cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thang máy, 1.500 cá nhân, tổ chức có liên quan đến thang máy. Những năm gần đây, mỗi năm có trên 35.000 thang máy được đưa vào sử dụng, trong đó khoảng 5.000 sản phẩm nguyên chiếc và trên 1,7 triệu thiết bị thang máy phục vụ sản xuất, lắp ráp trong nước được nhập khẩu vào Việt Nam.

Ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước đã có nhiều khởi sắc cả về số lượng và chất lượng, chiếm khoảng 4,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Lấy ví dụ điển hình cho sự gia tăng về số lượng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cung ứng linh, phụ kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Tiến sĩ Trần Thị Mai Thành - Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng, năm 2014, Việt Nam chỉ có 4 công ty là nhà cung cấp linh, phụ kiện cho Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), thì đến năm 2022 con số này lên tới 257 nhà cung cấp.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang đối mặt với một số tồn tại và hạn chế. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước cung cấp cho đối tác nước ngoài vẫn chỉ dừng lại ở mức độ đơn giản, có hàm lượng công nghệ trung bình và thấp.

Thực tế, lĩnh vực thang máy mới được bổ sung vào danh mục các mặt hàng sản xuất trong nước kể từ năm 2014 nên có thể nói đây là ngành công nghiệp khá non trẻ. Số doanh nghiệp tham gia cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp thang máy trong nước là không đáng kể. Đó là lý do đa phần những sản phẩm thang máy mang nhãn mác nội địa hoặc liên doanh trên thực chất chỉ có tỷ lệ nội địa hóa thấp, dưới 20%.

Liên kết để phát triển

Với ngành thang máy còn non trẻ và nhiều dư địa phát triển tại Việt Nam, đứng trên vai người khổng lồ sẽ là bước ngoặt để các doanh nghiệp nội có thể tiệm cận thị trường và rẽ sóng ra biển lớn.

“Hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt dùng hàng Việt", chúng tôi mong muốn quảng bá, liên kết để cung cấp đến thị trường trong nước dòng sản phẩm công nghệ mới, hiện đại, đó là tủ điện, bộ điều khiển thang máy với công nghệ hàng đầu từ INTEC - Cộng hòa Liên bang Đức với chi phí hợp lý”, đại diện Công ty TNHH Thương mại xây lắp điện Nam Phương (tại Khu công nghiệp Sông Cùng, huyện Đan Phượng) chia sẻ.

Theo Công ty TNHH Thương mại xây lắp điện Nam Phương, bộ điều khiển thang máy Nam Phương khi lắp sẽ giúp thang máy hoạt động chính xác tuyệt đối tới từng milimet (cứ 1mm có 1 điểm cảm biến) nên định vị cabin mọi lúc, mọi nơi. Sử dụng công nghệ hàng đầu định vị tuyệt đối giúp thang máy vận hành êm ái, an toàn, khách hàng không bị sốc tốc độ hoặc dừng quá đột ngột. Ngoài ra, không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân bên ngoài như thời tiết, côn trùng… Quá trình sản xuất tủ điện thang máy, bộ điều khiển thang máy được thực hiện nghiêm ngặt, nhưng chi phí chỉ bằng 1/4 so với tủ điện của các hãng khác trên thị trường và dễ dàng thay thế cho nhiều loại thang máy khác nhau.

"Đây là bộ điều khiển thang máy công nghệ mới chất lượng cao, phù hợp với mọi loại thang máy, mở ra cơ hội cho người Việt được sử dụng một trong những hệ thống điều khiển thang máy hiện đại, thông minh và an toàn nhất hiện nay. Mục tiêu của doanh nghiệp là trở thành đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp bộ điều khiển trong nước, hướng tới việc xuất khẩu sang các thị trường như Malaysia, Singapore", đại diện Công ty Nam Phương cho hay.

Theo ông Rene NeuMann, Giám đốc hỗ trợ kỹ thuật và xuất khẩu - Tập đoàn INTEC GMBH (Cộng hòa Liên bang Đức) - chuyên gia trực tiếp đào tạo, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ sản xuất, lắp ráp các thiết bị công nghệ trong tủ điều khiển thang máy công nghệ Đức cho biết, ưu điểm nổi bật của bộ điều khiển thang máy INTEC là có thiết bị và hệ thống phần mềm bảo trì từ xa 24/7. Người quản lý có thể đọc được tất cả các loại thông tin, số lần đi, thông tin lỗi, nguyên nhân lỗi và các hướng dẫn xử lý lỗi… từ xa mà không cần đến tận nơi.

Tốc độ toàn cầu hóa đang diễn ra ngày một nhanh khiến thế giới ngày càng “phẳng" hơn. Công nghiệp hỗ trợ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, với nhiều đối thủ nặng cân. Theo Bộ Công Thương, để phát triển công nghiệp hỗ trợ, bảo đảm nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện và nâng cao giá trị gia tăng, trước hết cần rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp phát triển, xây dựng các chính sách mới trong quản lý và thu hút đầu tư, bảo đảm các doanh nghiệp FDI có sự liên kết và chuyển giao công nghệ.

Vì vậy, tạo ra được những “người khổng lồ” sẽ là đối trọng hết sức cần thiết để dẫn dắt cuộc chơi của công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khác sẽ hoạt động như những vệ tinh xoay quanh các “hạt nhân” nói trên, tạo ra một hệ sinh thái tương hỗ, cùng phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất thang máy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.