(HNM) - Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nhanh, quyết liệt, thực chất hơn việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành tạo điều kiện cho khởi nghiệp, đầu tư trong nước và đón nhận làn sóng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài chảy về; thúc đẩy mạnh mẽ việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử...
Đây là những nội dung chính trong kết luận do Văn phòng Chính phủ mới thông báo về chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2020 của Chính phủ, các nhiệm vụ cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Đồng thời, yêu cầu người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ trung ương đến địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục phát huy những mặt đạt được trong công tác cải cách hành chính; đổi mới tư duy, nhận thức, coi công tác này là khâu có ý nghĩa quan trọng, đột phá nhằm thúc đẩy chuyển biến trong hoạt động quản lý nhà nước, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu tinh giản biên chế 10% giai đoạn 2015-2021 theo Nghị quyết số 39-NQ/TƯ; hoàn thành sớm mục tiêu sắp xếp các đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 trong năm 2020.
Phó Thủ tướng yêu cầu đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả của đại dịch, khơi thông nguồn lực kinh tế; tiếp tục đổi mới việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa" liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, không gắn với địa giới hành chính, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đến tháng 6-2020 hoàn thành việc gửi nhận văn bản điện tử tại 4 cấp chính quyền, nâng tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng theo chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2020 của Chính phủ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.