Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ IoT Việt Nam từ kinh nghiệm Hàn Quốc

Việt Nga| 11/04/2023 08:16

(HNMO) - Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), quy mô thị trường IoT Việt Nam đã đạt hơn 2 tỷ USD vào năm 2019, dự kiến có thể đạt 7 tỷ USD vào năm 2025. Một trong những quốc gia mà Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm phát triển Hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ IoT (internet kết nối vạn vật) là Hàn Quốc.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông Nguyễn Thiện Nghĩa báo cáo chuyên đề "Đề xuất thúc đẩy phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ IoT tại Việt Nam qua khảo sát kinh nghiệm Hàn Quốc" tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 7-4. Ảnh: Đức Huy

Hàn Quốc là một trong số quốc gia đầu tiên thương mại hóa rộng rãi dịch vụ 5G (năm 2018); đã bao phủ gần như hoàn toàn mạng LPWAN IoT (mạng diện rộng năng lượng thấp là một trong xu hướng tất yếu trong các ứng dụng IoT) từ năm 2016; hiện đã có nhiều nền tảng IoT mang tính mở cho phép các doanh nghiệp sử dụng để cung cấp sản phẩm, ứng dụng công nghệ số.

Để đạt những thành công trên, Chính phủ Hàn Quốc đã hoạch định chính sách và xây dựng chiến lược thúc đẩy một môi trường chấp nhận, ủng hộ các công nghệ mang tính đột phá, đổi mới, tích cực phát triển hạ tầng IoT, hệ sinh thái IoT. Cụ thể, từ năm 2014, một trong những sáng kiến chính sách quan trọng của nước này là “Master plan for Building the Internet of things”, nghĩa là một khuôn khổ chính sách toàn diện để thúc đẩy sự phát triển và áp dụng các công nghệ IoT trong nước.

Hàn Quốc đã phát triển các mạng chuyên dụng IoT do các công ty viễn thông xây dựng để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái IoT. Trong đó, Chính phủ nước này đầu tư 50 tỷ won (49 triệu USD) vào các công nghệ IoT cốt lõi thông qua kết hợp đầu tư công - tư; đầu tư 350 triệu USD vào 300 doanh nghiệp để phát triển hệ sinh thái IoT. Bên cạnh đó, Chính phủ có chính sách hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu - phát triển thông qua chương trình về mua sắm, tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ. Nước này cũng thực hiện nghiêm đạo luật bảo vệ thông tin cá nhân ở nhiều lĩnh vực, để người dân yêu tâm, cởi mở, chấp nhận và sẵn sàng tiêu dùng nhiều hơn các công nghệ mới…

Từ kinh nghiệm Hàn Quốc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông Nguyễn Thiện Nghĩa đề xuất 8 nội dung thúc đẩy IoT tại Việt Nam, cụ thể như:

Xác định các ứng dụng, lĩnh vực ứng dụng IoT phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, như: Nhà thông minh (smart home), nông nghiệp, logistic hoặc cấp điện, nước (Hàn Quốc trọng tâm vào công nghiệp sản xuất và logistic). Thúc đẩy sự phát triển mang tính mở của hệ sinh thái IoT Việt Nam. Khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông đóng vai trò phát triển hạ tầng, nền tảng về IoT, nghiên cứu các phương án triển khai NB-IoT trên hạ tầng sẵn có. Có kế hoạch xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia về IoT cho Việt Nam.

Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp sản xuất thiết bị đầu cuối IoT; xác định rõ chiến lược: Không có trí tuệ nhân tạo (AI) thì IoT sẽ không thể hiệu quả, xem A-IoT là một xu hướng tất yếu cần tập trung phát triển. Xây dựng và triển khai nhiều dự án thí điểm ứng dụng công nghệ IoT, có sự phối hợp giữa nhà mạng với các sản phẩm, thiết bị ứng dụng IoT trong các lĩnh vực nhà thông minh, nông nghiệp…

Toàn cảnh hội nghị giao ban quản lý nhà nước tại Bộ Thông tin và Truyền thông quý I-2023, ngày 7-4. Ảnh: Đức Huy.

Về các đề xuất trên, tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước ngày 7-4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để phát triển các nền tảng, ứng dụng số, thì phải đưa người dân thích nghi với môi trường số. Điều này được hiểu là người dân sử dụng các nền tảng số (về học tập, khám chữa bệnh, dịch vụ công…). Đó cũng là cách tạo thị trường hiệu quả cho doanh nghiệp mà không cần sử dụng ngân sách. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang đi theo hướng này.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chủ trì việc tìm hiểu vì sao Hàn Quốc đi đầu về tất cả lĩnh vực công nghệ số, vượt qua cả Đài Loan (Trung Quốc) dù đi sau. “Phải tìm ra điểm “chìa khóa” trong kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc. IoT chính là cơ hội cho Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ IoT Việt Nam từ kinh nghiệm Hàn Quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.