Mục tiêu của đổi mới sáng tạo xanh là hài hòa các yếu tố sản xuất nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cũng như kiến tạo chất lượng cuộc sống ngày càng văn minh hơn. Đổi mới sáng tạo xanh giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tăng tiếp cận thị trường theo chuỗi giá trị…
Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Tô Hoài Nam về nội dung này.
- Ông có thể cho biết khái niệm đổi mới sáng tạo xanh là gì?
- Hiện nay, đổi mới sáng tạo xanh có nhiều tên gọi khác nhau. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đổi mới sáng tạo xanh được hiểu là mọi hoạt động của doanh nghiệp hướng đến mục tiêu giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Đổi mới sáng tạo xanh không chỉ giới hạn ở việc tối ưu hóa quy trình sản xuất mà còn bao gồm sự sáng tạo trong sản phẩm và dịch vụ, nhằm tạo ra giá trị kinh tế, đồng thời bảo vệ môi trường. Các hoạt động trong đổi mới sáng tạo xanh có thể được phân thành một số yếu tố, như: Sáng tạo trong quy trình sản xuất, tối ưu hóa quy trình sử dụng tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính, chất thải và ô nhiễm. Khái niệm "sáng tạo" gắn với sản phẩm gồm phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, dễ tái chế và phân hủy.
- Những thách thức đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đổi mới sáng tạo xanh là gì, thưa ông?
- Trước hết, hệ thống chính sách hiện tại vẫn còn nhiều rào cản như: Nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn chưa nhất quán và rõ ràng. Chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, vẫn thiếu sự liên kết giữa các chính sách.
Chính sách hỗ trợ hiện chủ yếu hướng vào đào tạo, tập huấn mà chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp về kỹ thuật, tài chính và kết nối chuỗi cung ứng.
Giải pháp tài chính ở địa phương chủ yếu là cấp kinh phí thông qua thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Tỷ lệ phân bổ ngân sách cho bảo vệ môi trường ở hầu hết các địa phương khá thấp, trung bình toàn quốc là 0,7% tổng ngân sách. Nguồn lực này chưa đủ mạnh để thúc đẩy các đơn vị đổi mới sáng tạo xanh, đặc biệt ở giai đoạn đầu khởi nghiệp. Trong khi chi phí đầu tư cho công nghệ xanh thường cao hơn so với công nghệ truyền thống.
Tín dụng xanh tại các tổ chức tín dụng chưa phổ biến. Số lượng doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng xanh còn ít.
Việc huy động các nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế phối hợp, phân chia lợi ích giữa các bên chưa rõ ràng...
- Việc đổi mới sáng tạo xanh thường tập trung vào hoạt động khởi nghiệp, chưa quan tâm đúng mức đến khoa học, công nghệ và đổi mới ở doanh nghiệp đang hoạt động. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Như đã nói, bên cạnh thiếu cơ chế, chính sách, doanh nghiệp thiếu sự hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm. Quá trình thẩm định, định giá giá trị tài sản, thương mại hóa các sản phẩm từ ứng dụng khoa học và công nghệ tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý, tài sản trí tuệ…
Hoạt động hỗ trợ công nghệ, kết nối cung - cầu công nghệ gặp khó khăn do chưa có cơ sở dữ liệu thống nhất về trình độ công nghệ, nguồn cung, cầu, chưa có cơ chế thu thập thông tin giao dịch trên thị trường công nghệ.
Sau cùng, nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam chưa hình thành thói quen sử dụng sản phẩm xanh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường mà còn đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp trong phát triển bền vững. Ở đây, nguyên nhân chính là sự thiếu thông tin về lợi ích của sản phẩm xanh.
- Vậy theo ông, giải pháp là gì?
- Đó là các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng xây dựng khung pháp lý rõ ràng, gồm: Yêu cầu các sản phẩm, dịch vụ và quy trình phải giảm thiểu tác động đến môi trường, nhằm khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh, sử dụng nguyên liệu tái chế và phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường. Cơ quan chức năng cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng nhằm khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp môi trường. Các quy định cần cụ thể hóa quyền lợi và nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường.
Chính sách thuế phải thể hiện sự ưu đãi cho dự án xanh, có thể là miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp và dự án đầu tư vào công nghệ xanh hoặc sản phẩm thân thiện với môi trường. Ví dụ, có thể giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp triển khai giải pháp tiết kiệm năng lượng hoặc sản xuất hàng hóa tái chế; áp thuế carbon cho lượng khí thải carbon dioxide mà các doanh nghiệp phát sinh trong quá trình sản xuất, từ đó khuyến khích doanh nghiệp giảm phát thải và chuyển sang sử dụng năng lượng sạch. Chúng ta cũng cần khuyến khích tiêu dùng sản phẩm xanh thông qua giảm thuế giá trị gia tăng cho các sản phẩm xanh, tái chế…
Cùng với đó, nhà nước cần khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực xanh, công nghệ sạch, năng lượng tái tạo thông qua ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, bên cạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng xanh…
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.