Đó là nội dung chính của hội thảo về thúc đẩy đầu tư xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero tại Việt Nam được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 26-11.
Những thiệt hại do thiên tai gây ra đã gia tăng đáng kể trong thời gian qua, chiếm khoảng 1,5% GDP hằng năm. Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành định hướng trong chiến lược phát triển kinh tế không chỉ của Việt Nam mà của nhiều quốc gia trên thế giới. Tài chính xanh được xem là một phương thức quan trọng mà Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang chú trọng để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững.
Tại hội thảo, ông Đoàn Trường Giang, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho giai đoạn 2022-2040 để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh bao trùm gắn với chống biến đổi khí hậu, tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm, trong đó 65% nhu cầu này sẽ phải được huy động ngoài khu vực công.
“Đặc biệt, với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm phát thải khí methane vào năm 2030, nhu cầu đầu tư của Việt Nam vào các dự án giảm thiểu tác động đến môi trường sẽ ngày càng lớn”, ông Đoàn Trường Giang cho biết.
Tiến sĩ Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường thuộc Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành và triển khai Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, hoàn thiện các chính sách tài chính liên quan, nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh.
Bộ Tài chính cũng đang xây dựng Đề án Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam trên cơ sở phối hợp Bộ Tài nguyên - Môi trường và các cơ quan có liên quan. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Nói rõ hơn về tín dụng cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam, Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, cho biết giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh tại nước ta đã đạt mức tăng trưởng dư nợ bình quân hơn 23%/năm.
“Nếu như năm 2017, chỉ có 5 tổ chức tín dụng tham gia tín dụng xanh, thì đến nay đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh, lên khoảng 650 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, dư nợ tín dụng mà các tổ chức tín dụng đánh giá về các rủi ro môi trường đã tăng lên khoảng 3,2 triệu tỷ đồng trong tổng số dư nợ của cả hệ thống là 15 triệu tỷ đồng”, Tiến sĩ Lê Duy Bình thông tin.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu cũng làm rõ nhiều thông tin về đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh. Đáng chú ý, dù tài chính xanh đã được triển khai tại Việt Nam khoảng 10 năm qua, nhưng quy mô còn khiêm tốn (tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ, trái phiếu xanh còn rất ít...). Còn thiếu vắng các nhà đầu tư có tổ chức tham gia thị trường tài chính xanh; nguồn cung thị trường còn hạn chế do thiếu các dự án xanh và chưa có nhiều tổ chức phát hành trái phiếu xanh.
“Theo báo cáo Cơ hội đầu tư khí hậu của IFC, giai đoạn 2016-2030, Việt nam có thể thu hút được khoảng 753 tỷ USD đầu tư cho trái phiếu khí hậu; thu hút 59 tỷ USD đầu tư cho năng lượng tái tạo. Tiềm năng là rất lớn, giờ cần có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh”, Tiến sĩ Lê Duy Bình đề xuất.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Phương Nam, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn và Dịch vụ đổi mới khí hậu KLINNOVA, Đánh giá viên quốc tế của UNFCCC về biến đổi khí hậu, để tăng trưởng tín dụng xanh thời gian tới, các bên liên quan cần ban hành danh mục phân loại xanh và khung trái phiếu xanh quốc gia; hoàn thiện các sản phẩm tín dụng xanh; nâng cao năng lực ngân hàng trong kiểm định và đánh giá rủi ro tín dụng xanh; hoàn thiện cơ chế huy động vốn xanh trong và ngoài nước…
Các ý kiến tại hội thảo cũng thống nhất đề xuất cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ở nhiều lĩnh vực để tăng cường nhận thức và sự quan tâm của các nhà đầu tư về cơ hội đầu tư xanh và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án thân thiện với môi trường thông qua các công cụ tài chính xanh tại Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai; đồng thời đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 nhằm xây dựng một môi trường sống, làm việc thuận lợi, an toàn, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.