(HNM) - Quan hệ đối tác chiến lược Australia - Ấn Độ vừa được củng cố thêm một bước sau chuyến thăm chính thức cấp nhà nước ba ngày tới Ấn Độ (từ 15 đến 17-10) của nữ Thủ tướng Julia Gillard.
Chủ đề "nóng" được dư luận đặc biệt quan tâm trong chuyến công du - nội dung chính cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Julia Gillard và Thủ tướng nước chủ nhà Manmohan Singh - là khởi động tiến trình đàm phán về xuất khẩu urani từ Australia cho New Delhi vì mục đích dân sự.
Nhà máy Điện hạt nhân Kudankulam thuộc bang Tamil Nadu, Ấn Độ. |
Chiếm tới 40% trữ lượng của thế giới song Australia chỉ bán khoảng 20% urani phục vụ sản xuất điện với những điều kiện khắt khe. Mặc dù không phải là cường quốc hạt nhân nhưng Australia là nước sở hữu và sản xuất urani đứng thứ ba thế giới sau Kazakhstan và Canada. Australia đã xuất khẩu urani sang nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… nhưng Ấn Độ chưa nằm trong danh sách khách hàng của nước này với lý do đất nước của sông Hằng chưa ký Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Thế nhưng, Ấn Độ đã ký các hiệp định hạt nhân dân sự với một số quốc gia, trong đó có Mỹ, Pháp và Nga, sau khi nhóm nước cung cấp hạt nhân gồm 46 thành viên bãi bỏ lệnh cấm cung cấp urani với Ấn Độ vào tháng 9-2008. Trong bối cảnh đó, việc làm thế nào để đẩy nhanh tiến trình đàm phán xuất khẩu urani cho New Delhi vì mục đích dân sự được chính phủ của Thủ tướng Julia Gillard ưu tiên hàng đầu trong chuyến thăm.
Quan hệ đối tác chiến lược Australia - Ấn Độ đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, quốc phòng, thuế quan, chống ma túy và khủng bố quốc tế... Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Australia với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2011 đạt 21 tỷ USD. Năm 2011, Ấn Độ đã thông qua các khoản đầu tư hơn 11 tỷ USD vào Australia, tăng 100 lần so với 10 năm trước đây. Trong cuộc hội đàm ngày 17-10 vừa qua, nhà lãnh đạo hai nước đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương lên 40 tỷ USD vào năm 2015 so với mức khoảng 21 tỷ USD hiện nay. Thế nhưng, chính sách "nói không" urani với Ấn Độ của Australia đã thành một trong những rào cản trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương thời gian qua.
Trong bối cảnh New Delhi đang khát năng lượng để đáp ứng cho một nền kinh tế mới nổi và phải kiếm tìm các nguồn urani để vận hành các nhà máy điện hạt nhân thì việc sớm hiện thực hóa thỏa thuận urani càng được nước chủ nhà đặc biệt quan tâm. Xuất khẩu urani cho Ấn Độ - nền kinh tế hàng đầu ở khu vực Châu Á sẽ giúp các công ty khai thác mỏ của Australia như BHP Billiton Ltd. và Rio Tinto Group mở rộng việc làm, tăng thu nhập và tăng sản lượng. Ngược lại, với Ấn Độ, xây dựng các nhà máy hạt nhân là giải pháp cần thiết để khắc phục tình trạng thiếu điện đang kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế của đất nước. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu của Chính phủ Ấn Độ đến năm 2030, điện hạt nhân sẽ chiếm 8% tổng sản lượng điện so với tỷ lệ 2,3% hiện nay.
Cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Julia Gillard và Thủ tướng Manmohan Singh ngày 17-10 là bước khởi động cho tiến trình đàm phán được dự báo sẽ phải mất vài năm mới đạt được thỏa thuận cuối cùng. Theo quan điểm của Australia thì bất cứ thỏa thuận nào đạt được giữa hai bên đều phải bảo đảm rằng, nguồn nguyên liệu hạt nhân urani được sử dụng vào mục đích hòa bình, an toàn và được đặt dưới sự giám sát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Điều đó cho thấy, đây sẽ là một tiến trình đàm phán đầy khó khăn, bởi nó từng là chủ đề "nóng" gây nhiều tranh cãi trên chính trường Australia thời gian qua với những quan điểm trái chiều.
Những người Australia ủng hộ bán urani cho Ấn Độ cho rằng, quốc gia này có quá trình lịch sử sử dụng nguyên liệu hạt nhân rất minh bạch và đáng tin cậy; do đó "thương vụ" urani sẽ mang lại lợi ích chiến lược cho xứ "Chuột túi". Tuy nhiên, những nhà phản đối hạt nhân lại nhấn mạnh rằng, chính phủ đang chịu áp lực từ các nhà khai khoáng đòi mở rộng giao thương với Ấn Độ. Trong bối cảnh đó, thay đổi lệnh cấm bán urani cho Ấn Độ được xem là "đổ thêm dầu vào lửa" cho cuộc chạy đua hạt nhân với nước láng giềng Pakistan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.