Chuyển đổi số

Thúc đẩy chuyển đổi số ở nông thôn:Truyền cảm hứng xây dựng nông thôn hiện đại

Nguyễn Mai 02/04/2024 - 07:31

Chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc, xu thế tất yếu và là giải pháp quan trọng, cấp thiết để phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện thành phố Hà Nội đang tập trung triển khai chuyển đổi số đồng bộ trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tại khu vực nông thôn, nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số đã và đang được đẩy mạnh, giúp các làng quê ngày một văn minh, hiện đại...

huong-dan.jpg
Hướng dẫn người dân huyện Đan Phượng livestream bán hàng nông sản trên nền tảng số.

Đột phá từ chuyển đổi số

Những ngày cuối tháng 3-2024, UBND huyện Đan Phượng đã mời các Tiktoker (người sử dụng Tiktok để đăng tải những video mang tính sáng tạo nội dung về một chủ đề nào đó...) tới hướng dẫn, làm mẫu cho chủ cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn kỹ năng bán hàng trên nền tảng số. Chị Nguyễn Thị Thanh Huệ, chủ cơ sở sản xuất bánh gio Thanh Huệ (xã Liên Hồng) cho biết: “Với sự hỗ trợ, hướng dẫn của Tiktoker, chỉ khoảng 10 phút livestream, tôi đã “chốt đơn” được 600 bánh. Đây là lần đầu tiên tôi bán hàng trên Tiktok và mọi việc diễn ra rất thuận lợi, mở ra hướng tiêu thụ mới...”.

Livestream bán hàng chỉ là một trong số rất nhiều những thành tựu chuyển đổi số mang lại cho người dân Đan Phượng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng, một trong những điểm sáng trong chuyển đổi số của huyện, đó là đã tập trung chỉ đạo và nhân rộng mô hình thôn thông minh. Đến nay, toàn huyện đã có 16 tổ công nghệ số xã, thị trấn; 129 tổ công nghệ cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố, với tổng số 1.015 thành viên. Các tổ này hằng ngày hỗ trợ người dân ứng dụng các kỹ năng chuyển đổi số trong cuộc sống.

Không chỉ ở Đan Phượng, từ cuối năm 2023 đến nay, các hộ dân ởthôn 9, xã Ba Trại, huyện Ba Vì đã được trưởng thôn mời vào nhóm Zalo “Hộ thôn 9”. Ở nhóm Zalo này, hằng ngày, hằng tuần, trưởng thôn thông tin tới nhân dân rất nhiều các hoạt động cần thực hiện như: Vệ sinh môi trường; chấm điểm cuộc thi thôn, xóm sáng, xanh, sạch đẹp; cung cấp thông tin về biến động đất đai…

Trưởng thôn 9 Bùi Văn Vững cho biết: “Kể từ khi có nhóm Zalo chung, tôi không phải đến từng nhà thông báo mỗi khi có việc như trước đây. Người dân cũng thuận lợi hơn trong việc nắm bắt thông tin, tuyên truyền gì đều rất nhanh và hiệu quả”.

Trong khi đó, tại huyện Chương Mỹ, thực hiện chuyển đổi số, các đơn vị, địa phương đã vận động được 13.836 người đăng ký, mở tài khoản ngân hàng để nhận trợ cấp an sinh xã hội…

Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Nghĩa, 3 tháng đầu năm 2024, huyện đã chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho 27,23% số người được thụ hưởng…

Truyền cảm hứng để mọi người cùng tham gia

Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải, huyện xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đan Phượng đã quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa và ban hành đồng bộ các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn, tạo ra đường hướng và xác định lộ trình chuyển đổi số rõ ràng, hiệu quả, khả thi cho từng năm và cả giai đoạn. Mới đây, huyện Đan Phượng tiếp tục xây dựng và phát động mô hình chuyển đổi số cấp xã, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hệ thống chính quyền địa phương.

Xác định việc chuyển đổi số còn gặp khó khăn, nhất là thiếu cán bộ làm công tác chuyển đổi số; thiếu cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số…, huyện Chương Mỹ giao các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình, gắn trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận liên quan; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chuyển đổi số, chú trọng thực hiện các mô hình, sáng kiến chuyển đổi số…

Chuyển đổi số là công cụ quan trọng để tăng tốc, tạo đột phá, bình ổn và phát triển bền vững nền kinh tế. Đây cũng là vấn đề được Hà Nội đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trên cơ sở đó, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện. Gần đây, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định số 605/QĐ-UBND về việc hợp nhất Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ thành Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 thành phố. Thành phố cũng tích hợp các kế hoạch chuyển đổi số vào một kế hoạch, bảo đảm một việc, một đầu mối xuyên suốt.

Để triển khai hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch về chuyển đổi số, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, các địa phương cần khai thác được nguồn lực trí tuệ, truyền cảm hứng để tất cả mọi người cùng vào cuộc tham gia chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; hướng tới bất kỳ người dân, doanh nghiệp nào cũng được tiếp cận với các dịch vụ công một cách thuận lợi nhất, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô nói chung, khu vực nông thôn nói riêng văn minh và hiện đại.

van-ngon.jpg

Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn:

Hướng đến nâng cao đời sống của người dân

Trong xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng được Chính phủ đưa vào các tiêu chí, chỉ tiêu để thực hiện. Đối với xây dựng nông thôn mới nâng cao, việc chuyển đổi số được thể hiện trong tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; tiêu chí số 14 về y tế có chỉ tiêu về tỷ lệ dân số có sổ khám bệnh điện tử, tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa…; tiêu chí số 15 về hành chính công yêu cầu có ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên…

Để đạt nông thôn mới kiểu mẫu đòi hỏi các địa phương phải có mô hình thôn thông minh: Tổ công nghệ số cộng đồng; giao tiếp thông minh; thương mại điện tử; du lịch thông minh; dịch vụ xã hội. Sau nông thôn mới kiểu mẫu, thành phố Hà Nội tiếp tục định hướng xây dựng xã thông minh, giúp nông thôn ngày một văn minh, hiện đại, đời sống của người dân được nâng cao.

ngoc-lan.jpg

Bí thư Đảng ủy xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn) Trương Ngọc Lan:

Hỗ trợ xây dựng mô hình tiêu biểu

Trên cơ sở bộ Tiêu chí và hướng dẫn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của Trung ương và thành phố Hà Nội, xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn) đã triển khai kế hoạch chuyển đổi số gắn với xây dựng thôn thông minh. Trong đó, xã chọn thôn Cộng Hòa để hỗ trợ xây dựng mô hình thôn thông minh tiêu biểu.

Để hoàn thành mục tiêu, xã chỉ đạo thôn Cộng Hòa thành lập tổ công nghệ số cộng đồng với 8 thành viên do Trưởng thôn làm Tổ trưởng. Các thành viên trong tổ công nghệ số có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến từng người dân thông qua các nhóm Zalo, trang Fanpage “Cộng Hòa quê tôi”. Đặc biệt, các thành viên trong tổ phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt phần mềm, sử dụng các dịch vụ số, như: Dịch vụ công trực tuyến, y tế, giáo dục, chính sách xã hội… Từ kết quả đạt được tại thôn Cộng Hòa, xã Phù Linh tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ số vào xây dựng thôn thông minh tại các thôn: Vệ Linh, Phù Mã và Xuân Đoài.

manh-hung.jpg

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Liệp Tuyết (Quốc Oai) Kiều Mạnh Hùng:

Tạo ra giá trị gia tăng cho cả cộng đồng

Đối với các hợp tác xã nông nghiệp, ứng dụng chuyển đổi số không chỉ tạo nên một cuộc cách mạng trong sản xuất nông sản, mà còn hướng đến xây dựng một cộng đồng nông dân thông minh, kết nối và bền vững, góp phần đẩy mạnh sự phát triển toàn diện của nông thôn. Không những thế, các hợp tác xã nông nghiệp được hưởng lợi rất nhiều từ việc áp dụng giải pháp chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo ra giá trị gia tăng cho cả hợp tác xã và cộng đồng.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chuyển đổi số, rất cần sự chung tay hành động của các cấp chính quyền và mỗi người dân. Đặc biệt, chính quyền các cấp cần tổ chức những khóa đào tạo và chương trình nâng cao nhận thức về công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý và người dân nông thôn. Qua đó, giúp mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ trong sản xuất, cung cấp, phân phối nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử…

Sơn - Mai ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy chuyển đổi số ở nông thôn: Truyền cảm hứng xây dựng nông thôn hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.