(HNM) - Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục thúc đẩy chiến lược ngoại giao
Tổng thống Barack Obama (trái) và Chủ tịch nước chủ nhà APEC 22 Tập Cận Bình (giữa). |
Chuyến công du Châu Á thứ hai trong năm của nhà lãnh đạo xứ Cờ hoa diễn ra ngay sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ được xem là một chuyến công cán nhiều thách thức. Dù phải lo lắng bộn bề trước các cuộc khủng hoảng toàn cầu như hoạt động của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang mở rộng tại Iraq và Syria hay cuộc xung đột ở Ukraine và đại dịch Ebola chưa thể dập tắt… Tổng thống B.Obama muốn chứng tỏ với thế giới rằng Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là ưu tiên trong chính sách đối ngoại hiện nay của Washington. Điều này từng được Tổng thống B.Obama khẳng định ngay sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai năm 2012, với việc coi "xoay trục" sang Châu Á là một trọng điểm trong "công trình" đối ngoại Mỹ.
Với lịch trình dày đặc, tâm điểm trong chuyến công du của Tổng thống B.Obama là Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 (trong hai ngày 10 và 11-11) tại Bắc Kinh (Trung Quốc); Hội nghị Cấp cao Đông Á tại Naypyidaw (Myanmar) và Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G 20) tại thành phố Brisbane, bang Queensland của Australia. Ngay sau khi kết thúc các hoạt động tại APEC 22 với một loạt cuộc gặp cấp cao bên lề, Tổng thống B.Obama sẽ hội đàm với Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Quan tâm hàng đầu của Mỹ trong các cuộc gặp với giới chức Trung Quốc lần này xoay quanh vấn đề tội phạm mạng, căng thẳng lãnh thổ do các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và nhân quyền.
Tiếp sau chặng dừng chân đầu tiên Trung Quốc, Tổng thống B.Obama sẽ tới Myanmar - đất nước cách đây hai năm ông là Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm. Chặng dừng chân cuối cùng của người đứng đầu Nhà Trắng trong chuyến công du Châu Á là Australia. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G 20 lần này, Tổng thống B.Obama sẽ có bài phát biểu quan trọng khẳng định chính sách cũng như vai trò Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương; đồng thời tổ chức một cuộc gặp đa phương với các thủ tướng Australia và Nhật Bản.
Thời gian qua, Chính phủ của Tổng thống B.Obama đã có những bước đi thiết thực thể hiện chính sách tái cân bằng của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 4 năm ngoái, Mỹ và Philippines đã ký một thỏa thuận an ninh mới với thời hạn 10 năm, cho phép quân đội Mỹ tăng cường sự hiện diện trên lãnh thổ quốc đảo này. Tháng 7 vừa qua, Nhật Bản, một đồng minh khác của Mỹ ở Châu Á cũng đã xem xét việc diễn giải lại Hiến pháp hòa bình nhằm mở đường cho quân đội Mỹ hỗ trợ một quốc gia "bạn bè" trong trường hợp bị tấn công. Mỹ cũng đã nhất trí cải thiện hợp tác quốc phòng với Australia và kéo dài thêm 10 năm thỏa thuận hợp tác quân sự song phương với Ấn Độ... Trong một phát biểu với báo chí ngay trước thềm chuyến thăm của ông chủ Nhà Trắng, cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice khẳng định rằng, an ninh và sự thịnh vượng Mỹ ngày càng gắn bó chặt chẽ với Châu Á - Thái Bình Dương. Việc thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa các nước trong khu vực cũng là ưu tiên hàng đầu của Mỹ hiện nay. Đó cũng là lý do vì sao Tổng thống B.Obama lại cam kết với Châu Á về chiến lược tái cân bằng trong chuyến công du này cũng như trong suốt nhiệm kỳ hai.
Sự kiện đảng Dân chủ của Tổng thống B.Obama thất thế trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ vừa qua được dự báo có tác động lớn tới các bước đi tiếp theo của Mỹ trong tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - vấn đề mà chính quyền B.Obama cho là nền tảng của chiến lược tái cân bằng tại Châu Á. Nhiều chuyên gia cho rằng, kết quả cuộc bầu cử có thể là một tin tốt với TPP. Vì, đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ là nhân tố thuận lợi cho bất kỳ ý tưởng nào nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại. Vì thế, TPP sớm hoàn tất sẽ giúp Mỹ khẳng định thêm vị thế tại Châu Á - Thái Bình Dương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.