Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững

Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm PTCN Hà Nội| 21/12/2011 07:19

(HNM) - 10 năm xây dựng và trưởng thành, Trung tâm Phát triển chăn nuôi (PTCN) Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thực hiện tốt chính sách và giải pháp khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm


Kiểm tra đàn bò thịt giống mới tại xã Minh Châu (Ba Vì).   Ảnh: Ngọc Sơn

10 năm qua, Trung tâm PTCN Hà Nội đã nỗ lực thực hiện giải pháp nhằm tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi, xác định và lựa chọn cơ cấu vật nuôi thế mạnh, chủ lực phù hợp với từng vùng. Đối tượng vật nuôi được quan tâm đầu tiên là con bò sữa, cho hiệu quả kinh tế cao ở các xã, huyện có điều kiện đất đai, đồng cỏ nhiều tiềm năng như Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Đan Phượng, Mỹ Đức. Trung tâm hỗ trợ đào tạo đội ngũ kỹ thuật, khơi thông nguồn vốn và tuyên truyền tạo phong trào nuôi bò sữa. Giai đoạn 2004 - 2006 đàn bò sữa phát triển nhanh, lên đến 6.000 con. Tuy nhiên, hiện nay tiêu thụ sữa khó khăn, giá sữa thấp, quy mô nhỏ lẻ, người nuôi chưa có kinh nghiệm, nhiều hộ phải vay lãi suất cao dẫn đến chăn nuôi thua lỗ. Đàn bò sữa giảm mạnh chỉ còn khoảng 4.000 con, nhiều hộ phải bán bò, bỏ nghề. Nhận thức rõ việc phát triển bò sữa cần có lộ trình, phải đáp ứng các dịch vụ hỗ trợ, trung tâm đã khẩn trương xây dựng các trạm thu gom sữa, tìm biện pháp thu mua sữa hợp lý, đào tạo nghề, hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi, hỗ trợ con giống, chuồng trại, hướng dẫn vệ sinh thú y. Đặc biệt là định hướng phát triển theo vùng, xã trọng điểm… Do vậy, đàn bò sữa đã tăng lên 9.899 con, tăng 1.429 con (16,4%) so với cùng kỳ năm 2010, với 2.799 hộ nuôi, bình quân 3,5 con/hộ, nhiều hộ nuôi 6-10 con (240 hộ), có 36 hộ nuôi số lượng lớn 10-20 con. Sản lượng sữa bò tươi của Hà Nội đến thời điểm này đạt 87,8 tấn/ngày, năng suất sữa đạt 4.400kg sữa/chu kỳ. Chất lượng đàn bò sữa được cải thiện mang lại hiệu quả kinh tế cao với cơ cấu giống bò thuần chủng 10%, bò lai HFF3 62%, HFF2 18%, HFF1 là 10%. Trung tâm đã tạo cầu nối để các doanh nghiệp thu mua sữa tạo dựng mạng lưới tiêu thụ tại 60 điểm của 8 nhà máy chế biến các sản phẩm từ sữa. Giá sữa bình quân đạt 11.400 đồng/kg (tăng 2.800 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2010). Hiệu quả chăn nuôi bò sữa cao nên người dân yên tâm, mạnh dạn đầu tư mở rộng. Điểm nhấn trong 3 năm 2009 - 2011, Trung tâm đã xây dựng chăn nuôi trọng điểm tại 8 xã ở Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai, Đông Anh với tổng đàn bò sữa là 7.645 con, tăng 1.435 con so với cùng kỳ năm 2010, chiếm 77% tổng đàn bò hiện có.

Cùng với chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi bò thịt đang đà chuyển biến tích cực. Trước năm 2006, đàn bò thịt tỷ lệ bò lai sind trên 60%, tỷ lệ bò cóc còn cao trên 20%. Xác định chăn nuôi bò thịt cần bước đột phá, trung tâm tập trung vào khâu cải tiến giống và xây dựng mô hình điểm. Từ năm 2006, trung tâm đưa 2 giống bò ngoại thuần theo hướng chuyên dụng thịt có năng suất, chất lượng cao là Droughtmaster và Brahman vào sản xuất đã nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Sau 5 năm triển khai đã có bước phát triển đáng kể, tỷ lệ thụ tinh nhân tạo từ 10% đến nay đã đạt 30%, hai giống bò thịt kiêm dụng là Brahman, Droughtmaster đưa vào sản xuất cho kết quả cao, tỷ lệ bò cóc, bò vàng giảm xuống còn dưới 10%. Nổi bật là các giống bò mới lai tạo, tạo ra thế hệ con lai ăn khỏe chóng lớn, bê sơ sinh có trọng lượng bình quân từ 25-27kg, nuôi đến 2 năm tuổi đã đạt trên 350kg. Ba năm gần đây, bình quân hàng năm có trên 10.000 con bê giống mới ra đời, giá bê giống mới cao hơn, từ 1,5 đến 2 triệu đồng/con so với bê giống bò lai sind và cao hơn 3 - 4 triệu đồng/con với bò cóc, bò vàng. Trung tâm đã hỗ trợ 56 trang trại chăn nuôi ngoài khu dân cư với số lượng 971 con bò thịt, bò sinh sản, quy hoạch 19 xã trọng điểm nuôi bò thịt, hướng dẫn quy trình vỗ béo bò thịt để tăng thu nhập cho nông hộ. Hiệu quả chăn nuôi được khẳng định khi phát triển theo vùng, xã trọng điểm chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Năm 2011, giá trị chăn nuôi chiếm tỷ trọng 47,5%; tăng trưởng bình quân 3,5-4%/năm, tạo việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn, nâng cao đời sống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.