(HNM) - “Khi chúng ta suy nghĩ về vai trò của đổi mới và công nghệ trong thúc đẩy bình đẳng giới, chúng ta hãy cam kết hướng tới một thế giới tận dụng được sức mạnh của đổi mới và công nghệ để nâng cao quyền năng cho phụ nữ, tạo ra một xã hội ngày càng công bằng và bình đẳng”. Đó là quan điểm được Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Fatima Tamesis nhấn mạnh khi bàn về vấn đề bình đẳng giới trong chuyển đổi số ở Việt Nam.
Cơ hội và thách thức
Internet, nền tảng kỹ thuật số đã và đang mang đến cơ hội đổi mới cho mọi quốc gia, mọi công dân. Nhận định về vấn đề này, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Fatima Tamesis khẳng định: “Sự đổi mới, sáng tạo và công nghệ đã giúp cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái. Các ứng dụng di động cung cấp thông tin liên quan đến sức khỏe, các nền tảng học tập điện tử… đã giúp phụ nữ và trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa có thể dễ dàng tiếp cận giáo dục hơn. Các nền tảng kỹ thuật số cũng hỗ trợ trao quyền cho các nữ doanh nhân khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của họ”.
Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng mang đến nguy cơ bất bình đẳng. Các ngành đổi mới sáng tạo và công nghệ có tỷ lệ mất cân bằng giới tính lớn nhất trong các ngành nghề ở Việt Nam. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), lao động nữ chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, cao hơn so với thế giới (25%), nhưng số lượng phụ nữ làm các công việc liên quan tới phát triển phần mềm còn rất ít.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đánh giá, công nghệ thông tin đang tác động làm thay đổi mô hình việc làm, một số công việc sẽ cần ít lao động hơn, trong đó lao động nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Thêm nữa, phụ nữ và trẻ em gái cũng là nhóm đối tượng dễ bị bạo lực trên môi trường mạng (như bị theo dõi, quấy rối). Việc thiếu thông tin, kỹ năng về các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ; các quy định sử dụng mạng xã hội chưa được người dùng tuân thủ nghiêm túc… đã đặt ra những thách thức trong bảo vệ quyền riêng tư của người dùng nói chung, của phụ nữ và trẻ em gái nói riêng, cũng như việc xử lý các vi phạm này.
Những khuyến nghị hữu ích
Nhằm thúc đẩy tiềm năng phát triển của phụ nữ, tạo điều kiện cho quá trình phát triển số bao trùm và công bằng hơn, bà Pauline Fatima Tamesis nêu lên một số khuyến nghị, như: Phải bảo đảm các quan điểm về giới trong các chính sách số quốc gia, phân bổ nguồn lực để thực hiện các chỉ số và chỉ tiêu chuyên biệt về giới; thúc đẩy giáo dục có chất lượng cho phụ nữ và trẻ em gái về STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Cùng với đó, cần giảm thiểu các tác động bất lợi mang yếu tố giới của quá trình số hóa, dự báo và dự đoán nhu cầu việc làm và các kỹ năng cần thiết trong tương lai. Đặc biệt, chú trọng thu thập dữ liệu để hiểu rõ hơn các khía cạnh về giới và đổi mới công nghệ, tăng cường giải quyết vấn đề bạo lực trực tuyến trên cơ sở giới...
Bàn thêm về các khuyến nghị này, Giám đốc ILO Ingrid Christensen nêu yêu cầu đẩy mạnh công tác dự báo về kỹ năng, nhu cầu, ngành nghề tương lai, đặc biệt là STEM, qua đó giúp người lao động có đủ thời gian trang bị ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng máy vi tính và các kỹ năng mềm khác. Đồng thời, cần thúc đẩy khái niệm học tập suốt đời để liên tục cập nhật, theo kịp quá trình chuyển đổi số.
Chỉ thị số 21-CT/TƯ của Ban Bí thư ngày 20-1-2018 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới xác định rõ nhiệm vụ: “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, tôn vinh nhằm khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, khát vọng của đội ngũ nữ lãnh đạo quản lý, nữ trí thức, nữ cán bộ khoa học, nữ doanh nhân”.
Để thực hiện tốt các mục tiêu về bình đẳng giới trong quá trình chuyển đổi số, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Thị Hồng Lan nêu quan điểm, phải tăng cường nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ nói chung và của đội ngũ cán bộ khoa học nữ nói riêng; hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện cho sự phát triển và đóng góp của cán bộ khoa học nữ. Đồng thời, xây dựng các chương trình hỗ trợ sự phát triển đội ngũ cán bộ khoa học nữ trong hoạt động khoa học và công nghệ. Tất cả nhằm thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3-3-2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu “tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.