Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thuật toán và quyền mưu (tiếp)

Đ.H.L| 14/09/2012 10:54

(HNNN) - Từ những hiện tượng thiên nhiên như mưa nắng, gió bão, động đất, núi lửa... xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của con người, các nhà chiêm đoán từ cổ xưa đã nỗ lực quan sát không ngừng tìm hiểu những quy luật mơ hồ của trời đất để đưa ra những nhận xét và dự đoán trước, nhằm tạo cho con người khả năng có thể thích nghi hoặc phòng tránh thiên tai, họa hại một cách an toàn nhất.

I. Thuật thông thiên (dự đoán thời tiết)

Từ những hiện tượng thiên nhiên như mưa nắng, gió bão, động đất, núi lửa… xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của con người, các nhà chiêm đoán từ cổ xưa đã nỗ lực quan sát không ngừng tìm hiểu những quy luật mơ hồ của trời đất để đưa ra những nhận xét và dự đoán trước, nhằm tạo cho con người khả năng có thể thích nghi hoặc phòng tránh thiên tai, họa hại một cách an toàn nhất. Thời cổ xưa không có bộ môn khoa học về khí tượng hay thời tiết như bây giờ, nên thuật thông thiên chủ yếu sử dụng các quẻ dịch dự đoán thời gian, tính toán các tượng quẻ để phác họa ra những sự kiện thiên nhiên. Theo Bát quái, các quẻ thiên-địa-hỏa-thủy-sơn-trạch-phong-lôi đều đại diện cho các hiện tượng tự nhiên như sấm chớp, mưa gió và theo lời giải nghĩa của Kinh Dịch thì nội dung quẻ cũng bao hàm cả cách lý giải thời tiết. Vì thế, từ trước tới nay cách phổ thông nhất để dự đoán thời tiết là dùng 3 đồng tiền tung lên, lập ra quẻ, tiếp đó sắp xếp các hào của quẻ theo thiên can, địa chi (hay gọi là nạp ngũ hành cho 6 hào) và phân tích các quẻ, hào theo kết hợp ngũ hành sinh khắc, cuối cùng sẽ dự đoán kết quả thời tiết. Hiện nay, tuy có khoa học dự báo thời tiết nhưng độ chính xác không cao lắm, nên một số nhà nghiên cứu cổ học vẫn sử dụng cách dự đoán thời tiết này với tỷ lệ chính xác có thể lên tới 80%.

K. Thuật Mai Hoa (Mai Hoa dịch số)

Thuật này có liên quan mật thiết tới sự ngẫu nhiên xảy ra trong cuộc sống. Cuộc sống chứa cả vạn điều chưa biết, cho nên việc muốn biết trước cái sẽ xảy ra trở thành một nhu cầu, ước muốn thực tế, nhưng lại xa vời bởi biết dựa vào đâu? Tuy nhiên, kinh nghiệm xưa truyền lại rất nhiều điều tương đối chính xác, ví như dự đoán thời tiết: Nhìn mây trên trời như kết thành lớp vảy tê tê tụ thành đám hoặc kéo dài là đoán trời sẽ đột ngột trở lạnh hoặc mưa lớn; thấy trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa; dự báo như: Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng bay vừa thì râm; cua bò lên cao thể nào cũng lụt, hoặc bao giờ đom đóm bay ra, hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng... và dự cảm là một khái niệm phức tạp hơn rất nhiều, nó cao hơn và mang tính định hướng rõ ràng hơn linh cảm, đó là cảm nhận vô hình mà giác quan thứ 7 của mỗi người có thể thu nạp được, phân tích trước điều sẽ xảy ra. Tại một thời điểm nào đó, khi ta đang cân nhắc, suy nghĩ, tính toán, bàn bạc, băn khoăn, nghiền ngẫm về một vấn đề gì đấy, thì những hiện tượng ngẫu nhiên xảy ra quanh ta cũng phần nào báo trước diễn biến, kết quả sự việc. Đây là những suy luận dựa trên kinh nghiệm sống và kiểm nghiệm thực tiễn của những bậc nho gia tinh thông về Thuyết âm dương ngũ hành, nắm chắc những quy luật biến đổi theo chu kỳ của Dịch học. Thời nhà Tống, nhà dịch học Thiệu Ung đã căn cứ vào Kinh Dịch để sáng tạo ra một học thuật mới, đặc biệt là ông đã sử dụng số của năm-tháng-ngày-giờ âm lịch đưa vào Bát quái để dự đoán thông tin. Ông đã lập ra tượng quẻ, tìm hào động, sau đó dùng nguyên tắc sinh khắc giữa Thể và Dụng (chủ thể và khách thể) để dự đoán cát hung và đó gọi là Mai Hoa dịch số. Tâm pháp của bộ môn này như ông đã viết: “Vạn sự, vạn vật đều từ tâm sinh ra. Có tâm thì sẽ có vạn sự, vạn vật; Không có tâm thì không có gì hết. Tâm là Thái cực, là nguồn gốc sản sinh ra vạn sự, vạn vật”. Mai Hoa thuật không những có thể dự đoán về người mà còn có thể dự đoán cho cả những vật không có sinh mạng. Phương pháp tính toán của Mai Hoa có vẻ khá đơn giản: Các quẻ càn-đoài-ly-chấn-tốn-khảm-cấn-khôn được xếp theo thứ tự các số từ 1 đến 8; số của các hào trong quẻ cũng được xếp từ 1 đến 6; số của các Thiên can được xếp từ 1 đến 10, còn số của địa chi được xếp từ 1 đến 12. Khi tính toán, lấy tổng các chữ số của năm-tháng-ngày-giờ lập ra quẻ, xác định hào động để tìm biến quẻ rồi cuối cùng phân tích và đoán quẻ. Đây là bước mấu chốt và cũng là khó nhất của thuật Mai Hoa, nó đòi hỏi sự thông hiểu các quy luật âm dương ngũ hành cũng như kinh nghiệm chuẩn hóa vấn đề của người dự đoán, bởi vì chỉ có Bát quái tượng mà đại diện cho vạn vật, vạn loài, vạn người khác nhau. Hiện giờ, một số người cũng có thể mày mò lập ra quẻ Mai Hoa, nhưng giải đoán thì phần lớn phụ thuộc vào trình độ… ba hoa, tưởng tượng của văn học chứ không phải của triết học!

L. Thuật phong thủy

Thuật này ra đời ở Trung Hoa từ hơn 3000 năm trước và được lan truyền sang các nước khác ở khu vực châu Á, tồn tại đến ngày nay. Những nhà nghiên cứu triết học cổ đại tin rằng, có những dòng cường lực vô hình dưới lòng đất tác động lên con người sinh sống tại đó (mà ngày nay khoa học đặt tên là tia đất), do vậy thuật phong thủy được sáng tạo ra để tìm hiểu, nghiên cứu các cách cải tạo, ngăn chặn tác hại của những dòng khí vô hình dưới lòng đất. Tổ sư của thuật phong thủy là Quách Phác đưa ra nguyên tắc cơ bản là: “Xem đất phải lấy khí làm chủ”, khí ở đây là nói về sinh khí, nguồn khí này tác động trực tiếp đến người đang sống hoặc được an táng dưới lòng đất, và: “Khí dương theo gió mà đi, khí âm theo nước mà đến. Lý ở trong khí, khí ở trong hình. Sinh khí cũng nằm trong đó”. Phong thủy (nếu hiểu và áp dụng đúng khoa học) là một bộ môn có mục đích duy nhất là làm tăng ảnh hưởng của khí đối với một mảnh đất, một ngôi nhà nào đó thông qua phương pháp tìm sự vận động tự nhiên của các tầng đất, sự cân bằng âm dương của khí đất để chọn luồng sinh khí tốt cho sức khỏe. Các nhà phong thủy căn cứ vào điều kiện tự nhiên để chia năm loại hình: Long-huyệt-sa-thủy-phương hướng, đồng thời đưa ra quan điểm tam cương là: Lấy mạch khí làm nền tảng của sự sang giàu, nghèo hèn; lấy nhà thờ làm căn bản của sa, thủy tốt xấu; lấy thủy khẩu làm nền tảng của sinh-tử-tuyệt và ngũ thường là: Long phải thật; huyệt phải trọng yếu; sa phải đẹp; thủy phải bao bọc; hướng phải tốt. Long tức là mạch của núi; đất là thịt của long; đá là xương của long; cỏ cây là lông của long. Long có 9 loại, tìm long là tìm tổ tông của nó, thẩm định khí mạch, phân biệt sinh khí. Hình tức là dựa theo quan sát trực giác mà nhận định ví với một con vật nào đó rồi đem cát hung ẩn dụ của con vật ấy liên hệ với vượng suy cát hung của con người. Hình được chia theo ngũ hành. Sa tức là các núi nhỏ xung quanh núi chính (long chủ) nên được coi là áo khoác ngoài cho long, quan hệ theo chủ tớ. Thủy vô cùng quan trọng vì nó tượng trưng cho sự giàu có và họa phúc, thậm chí còn gây ảnh hưởng đến chủ nhà và con cháu các đời sau nữa. Thủy khẩu có hai loại, chỗ nước chảy vào phải mở ra, chỗ nước chảy ra phải đóng lại. Những địa hình không đúng thủy khẩu thì các nhà phong thủy phải đưa ra các giải pháp nhân tạo để hoàn thiện thủy khẩu. Huyệt tức là địa điểm xác định để xây dựng dương trạch hay âm trạch, chỗ đó phải có chân khí, mà cách nhận biết rõ nhất là vào giờ Dần, giờ Sửu sẽ: “Nhìn thấy khí từ đỉnh núi bốc thẳng lên hình cái nấm, dưới nhỏ, trên to”. Ngoài ra, người ta còn phân biệt chất đá các loại và đánh giá chất đất trước khi xây dựng. Cách chọn đất tốt là đào một hố đất mẫu lên, nghiền nát ra rồi đổ lại vào chỗ vừa đào và để qua đêm. Sáng hôm sau nếu thấy đất đùn lên là khí đất vượng, nếu đất lõm xuống là khí đất suy. Thuật phong thủy, xét cho cùng cũng là một kỹ năng mở rộng của thuật số, tuy lý luận đầy vẻ bí ẩn, mơ hồ, huyền bí nhưng so với kiến thức khoa học địa lý ngày nay nghiên cứu về tia đất, chỉ khác về nội dung giải thích bản chất, còn đặc điểm tương đồng là chung mục đích điều chỉnh, cải tạo, làm cho con người tương thích với tự nhiên, phục vụ đời sống an toàn và tốt đẹp hơn.

(Xem tiếp số sau)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thuật toán và quyền mưu (tiếp)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.