(HNNN) - Để ghi nhận mốc thời gian của các vương triều, Thiên can - Địa chi ra đời. Thiên can - Địa chi phối hợp với nhau để tạo thành một vòng tuần hoàn 60 năm gọi là Giáp tý lịch pháp.
III. Tiết khí và can chi
Người phương Đông xưa có phép tính lịch đặc biệt gọi là tiết khí mà cho đến ngày nay, các bộ môn y học, nông nghiệp, khí tượng vẫn phải sử dụng để theo dõi những thay đổi hoặc biến động về thời tiết. Tên gọi của các tiết khí lấy theo tính chất đặc điểm của khí hậu. Mỗi năm có 24 tiết, mỗi tiết chia thành 3 hậu (một hậu gồm 5 ngày):
Lập xuân - (ấm áp); Sơ hậu: Gió làm tan băng, trời ấm áp, dương khí mạnh lên; Nhị hậu: Sâu cuốn tổ thức dậy; Tam hậu: Cá ngoi lên mặt băng. Vũ thủy (ẩm ướt); (Sơ): Rái cá dâng mồi; (Nhị): Chim nhạn bay về phương Bắc; (Tam): Cây cỏ nảy lộc. Kinh trập (sâu nở); Cây đào bắt đầu tươi; Chim vàng anh bắt đầu hót; Diều hâu hóa thành chim cưu. Xuân phân (giữa xuân); Chim yến đến; Mưa đã có sấm; Trời đã có chớp. Thanh minh (trong sáng); Ngô đồng ra hoa; Cây mẫu đơn ra hoa; Cầu vồng xuất hiện. Cốc vũ (mưa rào); Bèo ra hoa; Chim gáy vỗ cánh; Chim cút xuống ruộng. Lập hạ (sang hè); Giun dế kêu; Giun bò lên mặt đất; Dưa đỏ nảy mầm. Tiểu mãn (kết hạt); Rau đắng mọc tốt; Cây đinh mọc tốt; Lúa chín. Mang chủng (chắc hạt); Bọ ngựa nở; Chim chèo bẻo kêu; Chích chòe không kêu. Hạ chí (giữa hè); Hươu rụng sừng; Chim điểu kêu; Cây khoai ngứa mọc. Tiểu thử (nóng oi); Gió đưa nóng tới; Dế mèn làm tổ; Diều hâu vồ mồi. Đại thử (nóng nực); Cỏ mục hóa đom đóm; Đất bùn khô nẻ; Có mưa lũ. Lập thu (sang thu); Gió mát tới; Sương mù; Ve kêu rét. Xử thư (mưa Ngâu); Chim cắt dâng mồi; Trời se lạnh; Chim trữ mồi. Bạch lộ (nắng nhạt); Chim nhạn bay về phương Nam; Chim yến về tổ; Các loài trữ thức ăn. Thu phân (giữa thu); Mưa không có sấm; Sâu bịt cửa tổ; Nước cạn. Hàn lộ (mát mẻ); Nhạn ra bến ăn; Chim sẻ ra biển; Cúc nở hoa vàng. Sương giáng (sương sa); Chó sói dâng mồi; Lá ngô đồng rụng, hoa mướp vàng rơi; Sâu cuốn tổ nhịn ăn. Lập đông (sang đông); Nước bắt đầu đóng băng; Đất bùn đông lạnh; Chim trĩ xuống biển. Tiểu tuyết (khô úa); Không có cầu vồng; Khí âm dương cách biệt; Trời rét. Đại tuyết (khô lạnh); Côn trùng không kêu; Hổ gọi đực; Cây bồ công mọc. Đông chí (giữa đông); Giun kết cụm; Nai rụng sừng; Nước sôi réo. Tiểu hàn (rét nhẹ); Chim nhạn chuẩn bị về Bắc; Chim dẽ làm tổ; Chim trĩ gáy. Đại hàn (giá rét); Gà ấp trứng; Chim săn mồi gấp; Ruộng cạn nứt nẻ, thảo mộc héo cằn.
Để ghi nhận mốc thời gian của các vương triều, Thiên can - Địa chi ra đời. Thiên can - Địa chi phối hợp với nhau để tạo thành một vòng tuần hoàn 60 năm gọi là Giáp tý lịch pháp. Can chi cũng giống như âm dương ngũ hành, đều có sự phân chia âm dương. Thiên can là dương, địa chi là âm. Trong 10 thiên can cũng có 5 dương, 5 âm và trong 12 địa chi có 6 dương và 6 âm. Thiên can dương kết hợp với địa chi dương và thiên can âm kết hợp với địa chi âm tạo thành năm dương và năm âm. 10 thiên can là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Giáp ứng với dương mộc, có nghĩa là mở ra, chỉ dấu hiệu vạn vật tách ra, là đầu, mật. Giáp mộc là người anh cả, tính chất cường tráng, cương trực, có ý thức kỷ luật; Ất ứng âm mộc có nghĩa là kéo lên, là vai, gan. Ất mộc là em gái, tính chất mềm yếu, cẩn thận cố chấp; Bính ứng với dương hỏa có nghĩa đột nhiên, là trán, ruột non. Bính hỏa chỉ ánh sáng mặt trời hừng hực, nhiệt tình, hào phóng, hợp với xã giao nhưng đôi khi phóng đại, hiếu danh; Đinh ứng với âm hỏa có nghĩa mạnh dần lên, là răng, lưỡi, tim. Đinh hỏa có nghĩa là lửa bếp lò bên ngoài trầm tĩnh, bên trong sôi nổi; Mậu ứng với dương thổ có nghĩa là rậm rạp, xum xuê, là mặt, dạ dày. Mậu thổ chỉ vùng đất rộng phì nhiêu có sức ngăn cản nước lũ. Tính chất coi trọng bề ngoài, giỏi giao tiếp nhưng dễ mất chính kiến giữa số đông; Kỷ ứng với âm thổ nghĩa là ghi nhớ để phân biệt, là mũi, tỳ. Kỷ âm chỉ đất ruộng vườn, nói về tính cách chi tiết cẩn thận, trật tự, ít độ lượng; Canh ứng dương kim nghĩa là chắc hạt, là gân, ruột già. Canh kim chỉ sắt thép, dao kiếm khoáng vật cứng rắn, là anh của kim, có tài văn học hoặc kinh tế; Tân ứng âm kim nghĩa là thu hoạch, là ngực, phổi. Tân kim chỉ ngọc đá quý, vàng cám, tính cách mày mò chịu khó làm việc lớn đồng thời cũng ngoan cố; Nhâm ứng với dương thủy là gánh vác, là cổ, bàng quang. Nhâm thủy chỉ biển cả xanh trong, khoan dung, hào phóng, có khả năng đùm bọc nhưng cũng ỷ lại; Quý ứng âm thủy nghĩa là đo lường, chân, thận. Quý thủy chỉ nước mưa, có mầm mống từ bên trong, tính cách chính trực, cần mẫn. Thiên can còn ứng với thời tiết: Giáp Ất mùa xuân, Bính Đinh mùa hạ. Mậu Kỷ chuyển mùa, Canh Tân mùa thu, Nhâm Quý mùa đông. Người ta cũng đem 10 can đối ứng với 10 ngón tay. Mỗi ngày ứng một ngón vừa tròn chu kỳ tháng âm lịch để xem cơ thể phản ứng với bệnh tật:
Giáp mùng 1 cảm ứng với ngón đeo nhẫn của tay trái gồm các bệnh sưng họng, đau mắt, điếc tai, đau vai. Nội tạng có chứng đầy bụng, bí tiểu, phù thũng; Ất mùng 2 cảm ứng ở phía ngón út tay trái dễ có bệnh miệng lở nứt, gò má sưng, đại tiện khó; Bính mùng 3 cảm ứng ở ngón trỏ tay trái; Đinh mùng 4 cảm ứng ngón trỏ tay phải dễ phát sốt đau răng... Có thể thấy, chu kỳ tuần hoàn của mặt trời ảnh hưởng đến nội dung ý nghĩa của 10 can. Còn 12 địa chi miêu tả chu kỳ vận động của mặt trăng gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Tý là con chuột, dương thủy, có nghĩa tu bổ, nuôi dưỡng, giờ Tý trong một ngày từ 23 giờ đêm hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau. Tháng 11 âm lịch là Tý. Bản chất Tý rất cẩn thận, chặt chẽ, tiết kiệm đến ky bo, dễ bị kích động, nhưng khả năng tự chủ cao, thích châm biếm và trí nhớ khá tốt. Sửu là con trâu, âm thổ, có nghĩa kết chắc lại, giờ Sửu từ 1 đến 3 giờ. Tháng 12 là Sửu. Chất Sửu luôn cần cù, nỗ lực, bảo thủ, vẻ chất phác nhưng thông minh, ghét nợ nần, có năng lực lãnh đạo, thích khép mình vào kỷ luật. Dần là con hổ, dương mộc, có nghĩa di chuyển dẫn dắt, giờ Dần từ 3 đến 5 giờ. Tháng 1 là Dần. Chất Dần luôn liều lĩnh, ưa mạo hiểm, ý thức tập trung cho công việc rất cao, sống lập dị và ưa hoạt động, cuộc sống nhiều thăng trầm. Mão là con mèo (hay thỏ), âm mộc, nghĩa là vươn lên, giờ Mão từ 5 đến 7 giờ. Tháng 2 là Mão. Chất Mão ôn hòa, mềm mỏng, nhã nhặn nhưng ý chí kiên định, phấn đấu đến cùng để đạt mục đích và đặc biệt tự tin vào trí tuệ bản thân. Thìn là con rồng, dương thổ, có nghĩa chấn động, giờ Thìn từ 7 đến 9 giờ. Tháng 3 là Thìn, chất Thìn gấp gáp, cuồng nhiệt, chứa đầy khát vọng cao xa, yêu cầu cao, thẳng tính nhưng độ lượng. Tỵ là con rắn, âm hỏa, có nghĩa bắt đầu, giờ Tỵ từ 9 đến 11 giờ trưa. Tháng 4 là Tỵ, chất Tỵ phán xét chính xác, không nhận lời khuyên của ai, đa nghi, dùng thủ đoạn đạt mục đích chiếm hữu. Ngọ là con ngựa, dương hỏa, có nghĩa là lan tỏa, giờ Ngọ từ 11 đến 13 giờ. Tháng 5 là Ngọ. Chất Ngọ phóng khoáng, nhanh nhẹn, dễ thích, mau chán, ý thức độc lập cao, đối nhân xử thế được, đôi khi vội vàng, thiếu nhẫn nại. Mùi là con dê, âm thổ, có nghĩa là âm khí ám muội, giờ Mùi từ 13 đến 15 giờ. Tháng 6 là Mùi, chất Mùi chính trực, hiền lành, dễ thông cảm, vị tha, không thích phê phán người khác, đa cảm nên bi quan, do dự tuy rất khéo léo. Thân là con khỉ, dương kim, có nghĩa là trưởng thành, giờ Thân từ 15 đến 17 giờ. Tháng 7 là Thân, chất Thân thông minh, tháo vát, nhanh nhạy, hoạt bát, ưa tranh đấu và cũng giỏi lẩn tránh, thường chủ quan thái quá. Dậu là con gà, âm kim, có nghĩa là già dặn, giờ Dậu từ 17 đến 19 giờ. Tháng tám là Dậu, chất Dậu bảo thủ, trì trệ, cố chấp, luôn kiêu hãnh. Có tài tổ chức cao, làm việc quyết đoán, yêu tranh luận và xử lý công việc theo khuôn mẫu, nên không linh hoạt. Tuất là con chó, dương thổ, có nghĩa là suy tàn, giờ Tuất từ 9 đến 21 giờ. Tháng 9 là Tuất, chất Tuất thẳng thắn, trung thực, hào hiệp, cần cù. Luôn dung hòa được các mâu thuẫn, đạt kết quả về cả vật chất lẫn tinh thần và nếu đã muốn thì không ai kiếm tiền giỏi bằng. Hợi là con lợn, âm thủy, có nghĩa là trở về gốc, giờ Hợi từ 21 đến 23 giờ. Tháng 10 là Hợi, chất Hợi trầm ổn, lương thiện, chất phác, được mọi người tín nhiệm. Ưa hình thức, hay giúp đỡ bạn, nhiều khi cả tin, bị lừa mà vẫn không muốn làm mất lòng ai.
Thiên can và Địa chi còn được nghiên cứu áp dụng để tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của một người. Cách ứng dụng này gọi là Tứ trụ (dùng can chi năm tháng ngày giờ sinh), hay Bát tự (phân tích ra 8 yếu tố trong tứ trụ).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.