(HNM) - Từ thực tiễn triển khai công việc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã rà soát, đề xuất đơn giản hóa 22 thủ tục hành chính. Đề xuất này đã được UBND thành phố Hà Nội thông qua, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân.
Đầu tháng 7-2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3033/QĐ-UBND về thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, tổng số thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội là 168 thủ tục hành chính. Tuy nhiên, hiện nay, một số văn bản của Trung ương mới ban hành đã và sắp có hiệu lực (Bộ luật Lao động 2019; Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội...) dẫn đến 60 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND cấp huyện, UBND cấp xã bị sửa đổi, thay thế hoặc bãi bỏ.
Do vậy, để việc thực hiện được đồng bộ và đơn giản hóa thủ tục hành chính phù hợp với thực tiễn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành rà soát 108 thủ tục hành chính không bị thay thế, bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung theo các văn bản của Trung ương mới ban hành. Sau khi rà soát, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất đơn giản hóa đối với 22/108 thủ tục hành chính (chiếm 20,37%). Trong đó, có 1 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết cấp trung ương; 17 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết cấp thành phố; 3 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện; 1 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã.
Trong số 22 thủ tục hành chính đã được UBND thành phố Hà Nội thông qua phương án đơn giản hóa có 20 thủ tục hành chính giảm từ 1 đến 3 ngày làm việc so với quy định và 2 thủ tục hành chính giảm thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ. Điển hình như thủ tục hành chính “thành lập hội đồng quản trị trường trung cấp tư thục” giảm 3 ngày làm việc. Hay như thủ tục hành chính “đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội” đã được bỏ thành phần hồ sơ “bản sao thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân của các sáng lập viên”, đồng thời giảm số lượng hồ sơ khi thay vì yêu cầu “lý lịch tư pháp của các sáng lập viên” thì chỉ yêu cầu “lý lịch tư pháp của một người là sáng lập viên, đồng thời làm đại diện pháp luật của cơ sở” (ước tính chi phí tiết kiệm được đối với thủ tục hành chính này là 2 triệu đồng/năm).
Bà Trần Thị Mai Anh ở xã Di Trạch, huyện Hoài Đức chia sẻ: “Tôi đã làm thủ tục hành chính tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, thấy có những thủ tục phải mất 15-20 ngày mới nhận được kết quả là khá lâu. Vì thế, tôi rất mừng khi biết nhiều thủ tục được rút ngắn thời gian giải quyết để tạo thuận lợi cho tổ chức và cá nhân”.
Theo ông Dương Văn Ninh, công chức Văn phòng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, việc rút ngắn thời gian giải quyết đòi hỏi các quy trình phải nhanh hơn, cán bộ sẽ chịu áp lực công việc nhiều hơn. “Tuy nhiên, với tinh thần tạo thuận lợi nhất cho người dân, chúng tôi sẽ cố gắng đảm đương tốt nhiệm vụ”, ông Dương Văn Ninh khẳng định.
Là người trực tiếp phụ trách công tác rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2021 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, bà Đặng Thị Kim Quyên, chuyên viên Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng UBND thành phố Hà Nội) cho biết: “Kết quả đơn giản hóa đạt 20,37% thủ tục hành chính của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã vượt yêu cầu của thành phố, cho thấy sự quyết tâm, cố gắng lớn của Sở. Ngoài các thủ tục được rút ngắn thời gian giải quyết, có 2 thủ tục hành chính được rút ngắn thành phần hồ sơ. Đây là điều rất tốt cho tổ chức, công dân khi không phải mất công đi in ấn nhiều loại giấy tờ”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.