Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thư viện phục vụ du lịch: Hợp tác đôi bên đều có lợi

Minh Ngọc| 14/03/2012 07:42

(HNM) - Trước thực trạng khai thác du lịch từ hệ thống bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa chưa thực sự hiệu quả, mới đây Bộ VH,TT&DL yêu cầu thư viện các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tổ chức các hoạt động thư viện phục vụ tour, điểm du lịch trên địa bàn.

Tìm bạn đọc, được không?

Theo yêu cầu tại văn bản số 551/BVHTTDL-TV của Bộ VH,TT&DL, thư viện các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ phải chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các tour du lịch ở địa phương để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm thư viện, các bộ sưu tập địa chí, tài liệu quý hiếm có trong các thư viện đến du khách thông qua triển lãm, trưng bày, thông tin, giới thiệu sách, nói chuyện chuyên đề, phục vụ sách báo cho du khách tại các tour, điểm du lịch... Như vậy, hệ thống thư viện các thành phố, với nguồn tư liệu sẵn có, sẽ vừa là trung tâm cung cấp thông tin, tư liệu về vùng đất, con người của địa phương, vừa trở thành một trong những điểm đến. Gắn hoạt động thư viện với du lịch đã được nhiều nước như Anh, Hàn Quốc, Singapore… triển khai hiệu quả, song ở Việt Nam thì còn nhiều vấn đề phải bàn.

Người dân đọc sách, báo tại Thư viện Hà Nội. Ảnh: Phương Thảo


Theo ông Trần Văn Hội, Phó Giám đốc Thư viện Hà Nội, thư viện của Thủ đô hiện có hàng vạn bản sách giới thiệu về lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội, có thể đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu thông tin của khách du lịch trong và ngoài nước. Nguồn tư liệu là một trong những yếu tố để đưa thư viện lên bản đồ du lịch nhưng chỉ có tư liệu thôi chưa đủ, quan trọng hơn là cơ sở vật chất và con người, mà các yếu tố này thì thư viện Hà Nội chưa đáp ứng được. Trong tổng số 78 cán bộ, nhân viên của đơn vị, mới chỉ có 4 người biết ngoại ngữ, có thể giao tiếp được với khách du lịch quốc tế. Còn cơ sở vật chất thì chỉ riêng chỗ để xe cho du khách đã là vấn đề nan giải.

Với thư viện Đà Nẵng, việc tổ chức hoạt động phục vụ các tour, điểm du lịch trên địa bàn càng khó khăn hơn vì chưa có trụ sở. Ông Hà Xuân Đào, Giám đốc Thư viện Đà Nẵng cho biết: "Dự án xây dựng thư viện đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt nhưng do thiếu kinh phí nên chưa thể triển khai. Nhanh nhất phải 3 đến 5 năm nữa thư viện mới có trụ sở ổn định, kiên cố. Cũng vì thế, thư viện Đà Nẵng còn đang thiếu cán bộ, thiếu bạn đọc, nói gì đến phục vụ du lịch chuyên nghiệp". Thư viện Hải Phòng, Cần Thơ cũng đang gặp khó khăn tương tự.

Cơ hội để bứt phá

Căn cứ thực tế hoạt động của hệ thống thư viện các tỉnh, thành phố hiện nay thì chủ trương khai thác tiềm năng của thư viện để thúc đẩy sự phát triển du lịch mà Bộ VH,TT&DL đưa ra sẽ rất khó thực hiện, nếu không muốn nói là không tưởng. Song dưới góc nhìn của người làm công tác này nhiều năm, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện cho rằng, đây là hướng đi mới để hệ thống thư viện Việt Nam bứt phá. Bà Mai kể, trong chuyến tham quan bảo tàng tại Anh, bà vô cùng bất ngờ trước kiến thức chuyên môn sâu và khả năng hướng dẫn thuyết phục, lưu loát của một hướng dẫn viên. Hỏi ra mới biết hướng dẫn viên đó lại chính là một cán bộ thư viện.

Theo bà Mai, nhiều cán bộ thư viện ở Việt Nam cũng am hiểu rất sâu sắc về vùng đất, con người, lịch sử, văn hóa của các địa phương nên họ hoàn toàn có thể cung cấp thông tin, tư liệu, thậm chí trở thành hướng dẫn viên cho khách du lịch khi cần. Hơn thế, tận dụng nguồn tư liệu sẵn có, thư viện có thể phối hợp với các công ty du lịch in tờ rơi, biên soạn tài liệu địa chí thành cẩm nang du lịch để tuyên truyền, giới thiệu cho du khách. Vào các sự kiện, kỳ cuộc quan trọng có đông khách du lịch đến địa phương, các thư viện có thể tổ chức triển lãm, trưng bày, giới thiệu sách báo, nói chuyện chuyên đề. Từ quan niệm đó, bà Mai khẳng định, nếu lãnh đạo các thư viện thay đổi tư duy, năng động, sáng tạo thì sẽ "bắt tay" được với du lịch chứ không nhất thiết phải chờ có cơ sở vật chất thật khang trang, nhiều cán bộ giỏi ngoại ngữ.

Đồng quan điểm này, ông Bùi Xuân Đức, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp (KHTH) thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thư viện KHTH đã tìm cách liên kết với du lịch để phát triển. Trong số hơn 2 triệu bản sách lưu trữ trong thư viện chỉ có một vài cuốn có thể hấp dẫn khách du lịch, vì thế thư viện đã mở hướng đi bằng cách tổ chức phòng đọc Hán Nôm với những tài liệu "độc"; mời các nhà viết thư pháp đến hướng dẫn khách viết chữ thư pháp và khi cần có thể dịch tài liệu cho khách tham quan. Để có thêm nguồn tư liệu quý, thư viện không ngừng sưu tầm câu đối, sắc phong và sách cổ trong dân, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên. Khi đã chuẩn bị tương đối đầy đủ, thư viện phối hợp với các tour du lịch đưa khách đến. Ông Đức cho biết, khách quốc tế đến thăm phòng đọc Hán Nôm của Thư viện KHTH tỏ ra rất thích thú.

Có thể thấy, nếu các thư viện năng động, sáng tạo thì việc bắt tay với du lịch sẽ tạo ra cơ hội phát triển cho cả hai ngành.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thư viện phục vụ du lịch: Hợp tác đôi bên đều có lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.