Nhân chuyến thăm, làm việc tại Hà Tĩnh, dự Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (15/6/1957 - 15/6/2022), sáng 11-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát thực trạng mỏ sắt Thạch Khê và bãi biển Thạch Hải (cạnh mỏ sắt Thạch Khê), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng quặng trên 544 triệu tấn, được coi là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, chiếm 1/2 trữ lượng quặng sắt cả nước. Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư. Tháng 9-2009, TIC chính thức khởi động dự án bằng việc thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ.
Đến tháng 11-2011, dự án phải tạm dừng để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và đánh giá tác động... Hiện nay, cả phía địa phương và nhà đầu tư có những ý kiến khác nhau và chưa có quyết định tiếp tục hay dừng dự án. Việc tạm dừng dự án quá lâu khiến nảy sinh những khó khăn, bất cập cho cả địa phương và nhà đầu tư.
Trong đó, các nhà đầu tư đã dồn công sức đầu tư cho dự án, nay dự án tạm dừng, khiến nảy sinh nhiều hệ lụy; trong khi đời sống nhân dân vùng dự án không ổn định, các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong vùng dự án cũng không được triển khai, chờ quyết định cuối cùng.
Sau khi nghe lãnh đạo địa phương và chủ đầu tư báo cáo về trữ lượng, chất lượng quặng và cấu tạo địa chất khu vực mỏ; quy hoạch, tình hình giải phóng mặt bằng, triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê; mối quan hệ liên vùng, liên ngành giữa khai thác mỏ sắt với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các bộ, ngành và chủ đầu tư, các chuyên gia, nhà khoa học khẩn trương nghiên cứu để sớm có kết quả chung về các yếu tố liên quan, đảm bảo tính khoa học và thực tiễn…
Trên cơ sở đó, xem xét kỹ lưỡng các mặt lợi ích kinh tế - xã hội, môi trường, an sinh xã hội... để có câu trả lời triển khai hay dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê đảm bảo các điều kiện, phù hợp với tình hình; sớm xử lý dứt điểm những khó khăn, bất cập, tồn tại cho cả phía địa phương và nhà đầu tư; tháo điểm thắt cho phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.