(HNM) - 30 thỏa thuận đầu tư trị giá 10 tỷ USD thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, bất động sản, khoáng sản, chuỗi cung ứng, du lịch... đã được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Doanh nghiệp Arab - Trung Quốc lần thứ 10, mới kết thúc ngày 12-6 tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Giới bình luận quốc tế nhận định, đây là cơ hội tăng cường thịnh vượng của đôi bên, giữa lúc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tìm cách mở rộng quan hệ hợp tác với khu vực này.
Hội nghị Doanh nghiệp Arab - Trung Quốc lần thứ 10 do Bộ Ngoại giao và Bộ Đầu tư Saudi Arabia đồng tổ chức, với sự phối hợp của Liên đoàn Arab (AL), Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc và Liên minh các phòng Arab. Với chủ đề “Hợp tác vì thịnh vượng”, hội nghị có mục đích hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư nhằm đạt được các giải pháp vì lợi ích chung cho các nước Arab và Trung Quốc. Với các phiên toàn thể, hội thảo, sự kiện bên lề về nhiều chủ đề khác nhau, hội nghị thu hút hơn 3.500 lãnh đạo doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách đến từ 26 quốc gia.
Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud cho rằng, đây là cơ hội để củng cố tình hữu nghị lịch sử giữa các nước Arab và Trung Quốc, xây dựng một tương lai chung có lợi cho cả hai bên, đồng thời thúc đẩy hòa bình và phát triển trên thế giới. Còn Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Bahrain Abdulla bin Adel Fakhro nhấn mạnh, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong chiến lược công nghiệp tương lai của Bahrain.
Các thỏa thuận kinh doanh và sự nhiệt tình hợp tác tại Hội nghị Doanh nghiệp Arab - Trung Quốc lần thứ 10 đã cho thấy những dấu hiệu mới nhất về mối quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và các nước Arab. Điều này thể hiện rõ sau một loạt diễn biến quan trọng gần đây, bao gồm Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - Arab lần đầu tiên diễn ra cuối năm 2022 và đóng góp của Trung Quốc vào thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran hồi đầu năm nay.
Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của các nước Arab, tổng giá trị thương mại giữa hai bên đạt 430 tỷ USD vào năm 2022, tăng 31% so với năm 2021. Trong đó, giá trị thương mại giữa Saudi Arabia và Trung Quốc chiếm 25%, đạt hơn 106 tỷ USD vào năm 2022, tăng 30% so với năm 2021.
Saudi Arabia là cửa ngõ lớn nhất để Trung Quốc đặt chân vào thế giới Arab và những gì thể hiện với Riyadh cũng là thể hiện chung với cả khối. Minh chứng cho sự gắn kết này là việc Saudi Arabia đã gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Động lực tiếp tục tăng khi gã khổng lồ dầu mỏ Saudi Aramco ký một thỏa thuận quan trọng với Tập đoàn Baosteel của Trung Quốc vào tháng 5-2023, với kế hoạch xây dựng một nhà máy thép hiện đại ở Saudi Arabia. Sự hợp tác này biểu thị tiềm năng kinh tế to lớn nằm ở điểm giao nhau giữa các ngành công nghiệp của Bắc Kinh và Riyadh.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và các quốc gia Arab đang có sự hợp tác mạnh mẽ. Trên thực tế, các nền kinh tế của Oman, Kuwait, Qatar đều phụ thuộc vào xuất khẩu dầu khí sang Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, nền kinh tế Trung Quốc không thể duy trì tốc độ tăng trưởng nếu thiếu nguồn năng lượng từ Trung Đông, vì vậy dễ hiểu khi Bắc Kinh chủ trương lấy kinh tế làm nền tảng và động lực để thúc đẩy quan hệ với khu vực.
Những con số thương mại trên minh họa cho mối quan hệ kinh tế ngày càng tăng và lợi ích chung của Trung Quốc và các nước Arab. Hội nghị Doanh nghiệp Arab - Trung Quốc lần thứ 10 thể hiện tinh thần hòa hợp toàn cầu, mở ra những cánh cửa mới cho sự trao đổi toàn diện, cũng như tiềm năng hợp tác trong sự hội tụ hài hòa giữa Trung Quốc và thế giới Arab.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.