Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch để giảm bớt vất vả cho nhân viên y tế

Thu Trang| 27/02/2022 22:32

(HNMO) - Tối 27-2, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), Bộ Y tế phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật “Chiến sĩ áo trắng” nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2022).

Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh TTXVN

Tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo Bộ Y tế và đại diện các bộ, ngành trung ương, địa phương cùng các thầy thuốc đã có nhiều đóng góp cho ngành Y tế.

Tại buổi lễ, nhìn lại chặng đường đã đi qua với nhiều thành tựu vẻ vang, nhưng cũng không ít khó khăn, vất vả, nhất là sự xuất hiện và bùng phát của đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, trong suốt thời gian vừa qua, ngành Y tế đã nỗ lực không mệt mỏi. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu. Ảnh TTXVN 

“Bốn đợt bùng phát dịch tính đến nay, với nhiều biến chủng nguy hiểm đã xảy ra trên quy mô, mức độ khác nhau đặt ra những thách thức vô cùng to lớn đối với hệ thống y tế. Khi Đảng gọi, Tổ quốc cần, những chiến sĩ áo trắng với sứ mệnh vẻ vang là đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, đã tận tâm, tận trí, tận lực và quyết liệt, chủ động, linh hoạt với các biện pháp phòng, chống dịch”, người đứng đầu ngành Y tế chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu động viên, tôn vinh lực lượng ngành Y tế. Ảnh TTXVN

Phát biểu tại chương trình, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến tất cả các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên và người lao động trong ngành Y tế trên mọi miền Tổ quốc; đồng thời nhấn mạnh, lời thề y đức luôn thắp sáng tư tưởng và hành động trong mỗi thầy thuốc và nhân viên y tế. Sự tận tâm, tận hiến phục vụ người dân của những người thầy thuốc luôn để lại sự biết ơn sâu sắc trong mỗi chúng ta.

Nhìn lại hơn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát và gây hệ lụy nghiêm trọng trên toàn cầu và nước ta, Thủ tướng cho rằng, những “chiến sĩ áo trắng”, “anh hùng khoác áo blouse” luôn là hình ảnh đẹp về sự hy sinh, về y đức, về sự quả cảm, về tấm lòng nhân ái... Chúng ta nhớ đến những cán bộ và nhân viên y tế hết mình phục vụ trong các cơ sở y tế, trong các khu cách ly, nhất là vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Hơn 25 nghìn chuyên gia, cán bộ y tế, y, bác sĩ, sinh viên các trường y - dược đã không quản ngại vất vả và hiểm nguy lên đường hỗ trợ các địa phương.

Thủ tướng nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng toàn thể nhân dân luôn đánh giá cao, thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả, hy sinh của ngành Y tế, bác sĩ và nhân viên y tế. Trong Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết để chiến thắng dịch bệnh Covid-19, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã biểu dương sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành Y tế, cùng các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Theo Thủ tướng, những năm qua, ngành Y tế nước ta đã có sự phát triển toàn diện về nhiều mặt, chất lượng khám, chữa bệnh, ứng dụng công nghệ, khoa học sáng tạo trong lĩnh vực y dược phát triển, một số lĩnh vực không thua kém gì các nước tiên tiến trên thế giới, được nhân dân tin tưởng, bạn bè quốc tế ủng hộ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những bất cập đối với hệ thống y tế của nước ta. Cơ sở vật chất, hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở còn hạn chế, nhất là nguồn nhân lực; chế độ đãi ngộ với bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế còn chưa tương xứng; lực lượng bác sĩ và nhân viên y tế, độ phủ ở cơ sở còn thiếu.

“Chúng ta còn nhiều việc phải làm để đáp ứng hơn nữa kỳ vọng của nhân dân. Nhân dân mong muốn các cơ sở khám, chữa bệnh sạch sẽ hơn, văn minh hơn, tiện lợi hơn; giá cả khám, chữa bệnh, thuốc chữa bệnh, sinh phẩm, vật tư y tế được quản lý tốt hơn, công khai, minh bạch hơn; cơ chế, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội phù hợp và hiệu quả hơn…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Một tiết mục biểu diễn trong chương trình nghệ thuật "Chiến sĩ áo trắng". Ảnh TTXVN

Dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Để thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tạo nền tảng quan trọng phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhiệm vụ của ngành Y tế là rất nặng nề. 

Theo Thủ tướng, để giảm bớt vất vả cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế; đồng thời bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng, mỗi người dân cần nêu cao ý thức “mỗi người vì mọi người” trong việc chấp hành các quy định y tế, phòng chống dịch, tiêm chủng… Đây là nhân tố hết sức quan trọng và quyết định, là quyền lợi, nghĩa vụ và là trách nhiệm của mỗi người dân.

Thủ tướng đề nghị, các cấp, các ngành, các địa phương và kêu gọi nhân dân cả nước tiếp tục tập trung cao độ, hiệu quả, với tinh thần trách nhiệm cao nhất cho chiến dịch tiêm chủng, trong đó đẩy mạnh việc tiêm vắc xin cho trẻ em bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả để bảo vệ sức khỏe các cháu và giúp các cháu trở lại trường học an toàn.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ trong thẩm quyền sẽ cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội; nhất là Nghị quyết số 20-NQ/TW (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đã xác định: “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách đặc thù đối với nhân viên y tế, như: Nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập; nâng cao năng lực, hiệu quả của y tế dự phòng và y tế cơ sở; đổi mới chính sách tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực y tế trong phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh; khuyến khích cán bộ có trình độ chuyên môn làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…; xử lý các bất cập liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, quản lý giá về khám, chữa bệnh, thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, quản lý, quản trị các cơ sở y tế, tạo môi trường thuận lợi để khám và điều trị cho nhân dân.

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung cho chương trình phòng, chống dịch Covid-19, chú trọng bảo vệ những người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, người ở tuyến đầu chống dịch; không để khủng hoảng y tế, quá tải hệ thống y tế; tăng cường quản lý bệnh nhân từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nhất là bệnh nhân tại nhà.

“Chúng ta cũng tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với các biến chủng mới; triển khai thần tốc hơn nữa tiêm chủng vắc xin, bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; tập trung nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4, khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số; thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng kịch bản ứng phó dịch bệnh, bảo đảm chủ động về thuốc điều trị; tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao ý thức người dân; giám sát, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch để giảm bớt vất vả cho nhân viên y tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.