Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Phạm Minh Chính giải đáp nhiều vấn đề nóng tại hội nghị đối thoại với phụ nữ

Đình Hiệp| 15/10/2022 13:29

(HNMO) - Sáng 15-10, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với phụ nữ Việt Nam chủ đề: “Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội”, nhiều câu hỏi liên quan các vấn đề nóng của xã hội cũng như phụ nữ đã được các đại biểu đặt ra. Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ trực tiếp trả lời.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Hỗ trợ để phụ nữ phát huy vai trò nhiều hơn

Đặt câu hỏi Chính phủ cần giải pháp gì để thúc đẩy phụ nữ làm kinh tế, bà Nguyễn Thị Bình - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bản Dao Thống Nhất, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, phản ánh, các hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị hằng năm tăng dần nhưng còn ở mức thấp, chỉ đạt trên 23%, sản phẩm còn hạn chế.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chưa có chính sách riêng cho phụ nữ trong tham gia hoạt động kinh tế. Tuy vậy, hiện đã bước đầu xây dựng cơ chế liên quan hỗ trợ phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể, cũng như lồng ghép nhiều chính sách khác nhau trong việc hỗ trợ phụ nữ.

"Riêng trong phát triển sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Nhà nước sẽ thúc đẩy phát triển thương hiệu, đầu vào và đầu ra. Để có nhiều sản phẩm hơn thì cần có vốn vay ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy sản phẩm tốt hơn, các hợp tác xã mà chị em làm chủ sẽ được hỗ trợ nhiều hơn", ông Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cũng nhấn mạnh luôn quan tâm chủ thể nữ trong các hoạt động, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, hợp tác xã có thể tiếp cận các nguồn chính sách này để nâng cao nguồn lực. 

Bày tỏ quan tâm vấn đề vốn, chị Đỗ Thị Minh, thành viên đơn vị tài chính vi mô Tình Thương - Nghệ An cho hay, hiện nay, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động tổ chức tài chính vi mô đã được xây dựng, nhưng đối tượng khách hàng vẫn được giới hạn là hộ gia đình nghèo, siêu nghèo. Vậy để tài chính vi mô nâng cao hơn nữa vai trò, Chính phủ cần có giải pháp nào?

Giải đáp việc này, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa Thông tư 03 để mở rộng hơn nữa đối tượng. Quy định hiện nay chưa cho phép các tổ chức tài chính vi mô mở tài khoản thanh toán, nhưng Luật tổ chức tín dụng sẽ được sửa đổi, cho phép tổ chức tài chính vi mô mở tài khoản thanh toán.

Nhắc nhở các bộ, ngành cần cung cấp thông tin nhiều hơn để giải đáp câu hỏi của các chị em phụ nữ, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trả lời câu hỏi của bà Nguyễn Thị Bình, nhấn mạnh chính sách hiện nay có các quy định liên quan tới hợp tác xã. Các bộ, ngành cần tiếp tục xem xét còn vướng mắc gì để điều chỉnh, có thêm cơ chế, chính sách khuyến khích chị em tham gia hợp tác xã ngày càng tốt hơn, sáng tạo hơn.

Về việc tham gia hợp tác xã trong thực hiện chương trình quốc gia về sản phẩm OCOP, Thủ tướng chỉ ra các vấn đề: Trong xây dựng thương hiệu, cần có sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ về thương hiệu và chỉ dẫn địa lý; gắn với đó, cần có quy hoạch để phát triển nguyên liệu, hỗ trợ tín dụng, thúc đẩy thị trường để tiêu thụ sản phẩm.

Về việc tiếp cận tín dụng với các tổ chức vi mô, Thủ tướng cho rằng, ngân hàng cần mở rộng đối tượng, mở rộng hạn mức, có kế hoạch đảm bảo cung ứng nguồn tiền phù hợp, hạn chế tín dụng đen.

"Ngân hàng cần chủ động để chị em tiếp cận dễ hơn, đảm bảo nhu cầu về vốn, bền vững và có điều kiện trả nợ", Thủ tướng nói.

Bà Vi Thanh Hương - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian qua, phụ nữ nông thôn đã và đang tham gia tích cực và có nhiều đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Bà đề xuất Thủ tướng và các bộ trưởng đưa ra gợi ý về mô hình hoặc giải pháp cụ thể nhằm phát huy hơn nữa vai trò và sự đóng góp của phụ nữ trong quá trình xây dựng nông thôn mới thời gian tới.

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ đã có các dự án kinh tế tuần hoàn bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường; đóng góp vào phục hồi các tài nguyên tái tạo được, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo...

Để phát huy vai trò của phụ nữ, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề xuất Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh hơn nữa Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", đặc biệt tập trung vào vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ triển khai phê duyệt các đề án hỗ trợ khởi nghiệp, đề cao vai trò phụ nữ làm chủ hộ, thúc đẩy bình đẳng giới.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nông nghiệp là 1 trong 3 lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, là trụ đỡ, nhất là trong bối cảnh sức ép lạm phát "cung đẩy, cầu kéo" đang diễn ra. Điều đó thể hiện rõ ở việc chúng ta vẫn đảm bảo nguồn cung ứng nông sản, lương thực, thực phẩm, thậm chí còn xuất khẩu đi các nước khác. Để nâng cao vai trò của phụ nữ, Thủ tướng đề xuất hoàn thiện thể chế để phát triển nông thôn mới, trong đó có cơ chế, chính sách để phụ nữ đóng góp được nhiều hơn cho phát triển nông nghiệp, theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đại diện các bộ, ngành, tổ chức Hội tham gia đối thoại với phụ nữ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Bảo đảm môi trường cho phụ nữ phát triển

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ luôn có vai trò đặc biệt, có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, vị trí công việc gì, phụ nữ Việt Nam cũng luôn tỏa sáng phẩm chất “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” như 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng cho phụ nữ Việt Nam.

Thủ tướng cũng chia sẻ với những vất vả, nhọc nhằn và ghi nhận, cảm ơn, đánh giá cao những đóng góp của chị em phụ nữ trong hơn 2 năm cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy đối ngoại và hội nhập. 

Đánh giá lại các kết quả cũng như tồn tại, hạn chế trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian tới, cần phát huy vai trò, tiềm năng to lớn, nâng cao địa vị của phụ nữ, xác định trách nhiệm chăm lo cho phụ nữ là của cả hệ thống chính trị, giúp phụ nữ thực hiện được nhiều nhiệm vụ, chức năng; xây dựng, phát triển đội ngũ nữ cán bộ là yêu cầu khách quan, quan trọng của công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, thông qua hội nghị này, tổ chức rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để phụ nữ phát triển mọi mặt, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho phụ nữ. Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương liên quan đến các câu hỏi, kiến nghị của các đại biểu tại hội nghị đối thoại.

* Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tặng quà động viên 10 cá nhân phụ nữ tiêu biểu đạt thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các đề án của Chính phủ: Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn năm 2017-2025”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính giải đáp nhiều vấn đề nóng tại hội nghị đối thoại với phụ nữ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.