Sáng 4-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về chuyển đổi số đã dự sự kiện "Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng" do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức.
Sự kiện nhằm đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ, triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Ngân hàng, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Sự kiện được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Hà Nội và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; với hơn 4.000 người tham dự.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp, khách hàng lớn của ngành Ngân hàng.
Sự kiện có các hoạt động chính: Lễ công bố "Ngày chuyển đổi số" của ngành Ngân hàng và ra mắt Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Ngân hàng; trình diễn demo công nghệ ngành Ngân hàng; hội thảo khoa học "Tăng cường kết nối, thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng"; triển lãm các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số của ngành Ngân hàng.
Trước khi dự sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dành thời gian tham quan triển lãm các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số của ngành Ngân hàng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chính sách, kế hoạch lớn mang tính chất định hướng, tận dụng cơ hội cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng, như: Đề án thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trải dài nhiều giai đoạn từ năm 2006, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Để triển khai hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác Chuyển đổi số ngành Ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm trưởng ban. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành khác và chủ động rà soát thường xuyên khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển hoạt động ngân hàng số.
Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra là đạt 70% vào năm 2025; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới.
Thời gian tới, bám sát định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục tinh thần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; ngành Ngân hàng tiếp tục ứng dụng công nghệ để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ theo hướng lấy khách hàng làm trọng tâm và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng làm mục tiêu chính.
Ngành Ngân hàng phấn đấu đến năm 2025 có 50% nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động...
Tại chương trình, các đại biểu xem trình diễn về ứng dụng công nghệ trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số; thảo luận về triển khai kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số ngành Ngân hàng; về tạo lập hệ sinh thái số, phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ; chuyển đổi số ngân hàng để thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện...
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, nước ta đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; lấy con người làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, bản lĩnh, năng lực, đạo đức của con người Việt Nam cho sự phát triển.
Theo đó, chúng ta xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả để có nguồn lực bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.
Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định; nguồn lực bên ngoài là đột phá, quan trọng. Trong đó, nội lực gồm ba trụ cột chính là con người, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa.
Ngành Ngân hàng đã và đang thực hiện các nền tảng quan điểm lý luận trên để góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng; người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, chuyển đổi số là yếu tố khách quan, tác động đến mọi người dân, do đó người dân phải là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của chuyển đổi số. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, ngành nâng cao năng lực quản lý điều hành.
Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập sâu sắc về chuyển đổi số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với tinh thần chuyển đổi số một cách toàn diện, với sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; mà ngành Ngân hàng hội tụ đủ những yếu tố để tiên phong trong tiến trình đó.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động ngân hàng như các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (tăng trưởng thanh toán qua di động hằng năm đạt trên 90%; 1,77 triệu tài khoản Mobile-money, hơn 67% tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…); phát triển nhiều dịch vụ ngân hàng trên kênh số (mở tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm trực tuyến…); đẩy mạnh cung cấp thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; kết nối, tích hợp các thông tin, dữ liệu với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 và đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ kịp thời người dân, doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, sự kiện "Ngày chuyển đổi số" ngành Ngân hàng thể hiện sự nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của ngành Ngân hàng góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng cho rằng, công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, còn nhiều việc cần phải làm như: Vướng mắc về cơ chế, chính sách; kết nối giữa các nền tảng; an toàn, an ninh thông tin; kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin; thiếu hụt nhân lực trình độ cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin...
Do đó, Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số, đáp ứng các yêu cầu, đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt là phát huy hơn nữa vai trò, ý nghĩa quan trọng, nâng cao hiệu quả của chuyển đổi số đối với ngành Ngân hàng và nền kinh tế.
Theo đó, thúc đẩy thay đổi phương thức điều hành, quản lý, quy trình làm việc của ngành Ngân hàng theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, góp phần phòng, chống tội phạm rửa tiền; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, xã hội số, góp phần tiết giảm chi phí, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, an toàn; góp phần xây dựng, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu trọng yếu quốc gia, hướng tới xây dựng hệ sinh thái công dân số; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy phát triển Chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.
Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Ngân hàng cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng để xây dựng các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt; mặt khác, cần xây dựng, thử nghiệm và áp dụng khung pháp lý mới đối với phát triển công nghệ tài chính.
Thủ tướng đề nghị triển khai chuyển đổi số một cách tổng thể, đảm bảo hiệu quả, không được lãng phí nguồn lực; có trọng tâm, trọng điểm; tránh tình trạng "trăm hoa đua nở"; phân định rõ ứng dụng công nghệ và trung gian tài chính, tránh tình trạng doanh nghiệp công nghệ lấn sân sang hoạt động trung gian tài chính.
Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của ngành như hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng để làm hạt nhân và theo kịp được nhu cầu phát triển của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán; đẩy mạnh kết nối, liên kết giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng với các ngành, lĩnh vực khác nhằm mang lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
Về thúc đẩy triển khai Đề án 06, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan để tích hợp, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số mang lại giá trị mới và lợi ích mới thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với Đề án 06, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến ngành Ngân hàng trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, công tác chuyển đổi số phải bảo đảm an ninh, an toàn, bao gồm an ninh, an toàn hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng; cơ sở dữ liệu, thông tin dữ liệu, kết nối theo chuẩn; tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát; phân tích dữ liệu để bảo đảm an ninh, an toàn cho toàn bộ hệ thống, cũng như phòng, chống tội phạm, rửa tiền do hiện nay xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả. "Nhận thức sẽ đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số và chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân, doanh nghiệp hiểu, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại", Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, ngành Ngân hàng quan tâm tới công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là về nhân lực công nghệ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp để phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ của người lao động ngành Ngân hàng nhằm phục vụ tốt hơn nữa người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số để phát triển, tiếp nhận các công nghệ mới vào các hoạt động ngân hàng như công nghệ giao tiếp tầm ngắn, công nghệ thẻ thanh toán không tiếp xúc…
Nhân sự kiện này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp lý về định danh và xác thực điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân, tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, sớm kết nối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, trong đó có ngành Ngân hàng. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì sớm trình Luật giao dịch điện tử (sửa đổi, trong đó có vấn đề chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử, xác thực điện tử phù hợp với thực tiễn). Các bộ, ngành liên quan chú trọng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, chia sẻ với các ngành, lĩnh vực khác, trong đó có ngành Ngân hàng để thiết lập hệ sinh thái số, phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng, với tinh thần quyết tâm, trách nhiệm cao, sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo của toàn ngành Ngân hàng; sự chung tay, góp sức của các bộ, ngành, địa phương; sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp; ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức, giữ vững ngọn cờ tiên phong trong chuyển đổi số, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công vượt tiến độ tiến trình chuyển đổi số trong toàn ngành, góp phần hiện thực hóa Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.