Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Nhật Bản thăm Ấn Độ: Hướng tới khu vực tự do và rộng mở

Quỳnh Dương| 21/03/2022 07:27

(HNM) - Trong hai ngày (19 và 20-3), Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã có chuyến thăm chính thức tới Ấn Độ để tham dự Hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ 14 theo lời mời của Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, được kỳ vọng là bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt, hiện thực hóa chính sách Hành động hướng Đông của New Delhi và Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản...

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong cuộc gặp tại New Delhi (Ấn Độ).

Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi tại thủ đô New Delhi, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã công bố gói đầu tư trị giá 42 tỷ USD của Nhật Bản vào Ấn Độ trong vòng 5 năm tới. Hai bên cũng ký kết các văn bản hợp tác liên quan tới năng lượng và giảm thải khí các bon.

Trong những năm gần đây, quan hệ Nhật Bản - Ấn Độ liên tục được tăng cường thông qua cơ chế “Đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu”. Theo thông tin từ Chính phủ Ấn Độ, xứ sở Hoa anh đào là quốc gia cung cấp vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất và vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) lớn thứ 5 tại Ấn Độ. Đặc biệt, kể từ chuyến thăm của Thủ tướng N.Modi tới Nhật Bản vào năm 2014, hai bên đã đạt được mục tiêu hoàn thành gói đầu tư công và tư của Nhật Bản vào Ấn Độ trị giá khoảng 30 tỷ USD. Hiện tại, có 1.455 doanh nghiệp Nhật Bản tham gia thị trường Ấn Độ. 11 thị trấn công nghiệp Nhật Bản (JIT) đã được thành lập tại Ấn Độ, trong đó Neemrana ở Rajasthan và Sri City ở Andhra Pradesh là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp Nhật Bản nhất. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đang hỗ trợ Ấn Độ tiến hành một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sắt cao tốc Mumbai - Ahmedabad...

Là thành viên quan trọng trong nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia), trong cuộc hội đàm, lãnh đạo hai nước đã đánh giá các nỗ lực triển khai chính sách Hành động hướng Đông của New Delhi và Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Tokyo nhằm đạt được mục tiêu chung là hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.

Chính sách Hành động hướng Đông là đường hướng đối ngoại đa liên kết của Ấn Độ, nhấn mạnh vào sự tham gia với các tổ chức đa phương khu vực; sử dụng quan hệ Đối tác chiến lược để phòng ngừa rủi ro dựa trên các chuẩn quy phạm pháp luật; thúc đẩy phát triển kinh tế và an ninh quốc gia của Ấn Độ, cũng như mở rộng ảnh hưởng và quảng bá các giá trị của Ấn Độ. Đối với New Delhi, tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ, thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt với Nhật Bản, duy trì mối quan hệ với Australia là trọng tâm chiến lược trong việc định hình một cấu trúc kinh tế và an ninh trong khu vực.

Còn chính sách Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở có nhiều nội dung tương đồng với chiến lược của Mỹ cũng như mục tiêu của nhóm Bộ Tứ tại khu vực này. Đó là cùng chia sẻ lợi ích, giá trị và nhận thức chung về các mối đe dọa về an ninh giữa 4 quốc gia, nhằm tạo sự cân bằng quyền lực thuận lợi cho việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điểm khác trong chính sách của Nhật Bản là ưu tiên hơn cho hợp tác quân sự. Đáng chú ý là, Tokyo coi tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với Ấn Độ như một trụ cột thiết yếu. Chính vì thế, quan hệ Nhật Bản - Ấn Độ những năm gần đây đã được thúc đẩy mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế - an ninh - quân sự.

Theo các nhà bình luận, quan hệ ngày càng được thắt chặt giữa Nhật Bản - Ấn Độ sẽ tạo ra một liên kết có sức mạnh tại khu vực. Điều này một lần nữa cho thấy, “bàn cờ” địa chính trị của các nước lớn tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nhật Bản thăm Ấn Độ: Hướng tới khu vực tự do và rộng mở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.