(HNMO) - Đó là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị “Gặp gỡ Châu Âu 2018” diễn ra hôm nay (25-5) tại TP Hà Nội.
Thủ tướng khẳng định, quan hệ giữa Việt Nam và Châu Âu đã trải qua chặng đường dài, hai bên cùng tự hào về nhiều kết quả hợp tác thành công, toàn diện cả về chính trị, kinh tế, thương mại và văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-kỹ thuật, hợp tác doanh nghiệp và giao lưu nhân dân...
Các đối tác Châu Âu đã trở thành những người bạn đồng hành thân thiết cùng Việt Nam trong 30 năm Đổi mới, phát triển và mở cửa hội nhập; và là nhà đầu tư FDI lớn với tổng đầu tư gần 25 tỷ USD, nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt kim ngạch thương mại trong 10 năm qua 2006-2017 đã tăng gần 5 lần và đạt trên 50 tỷ USD năm 2017.
Ngày nay, Việt Nam - Châu Âu đang đứng trước những vận hội to lớn để có thể nâng tầm quan hệ và phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn. Việt Nam và EU tháng 6-2012 đã ký Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA), một khuôn khổ cấp cao về quan hệ đối ngoại toàn diện, bình đẳng, tin cậy hai bên.
Hơn nữa, giữa Việt Nam và Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha là quan hệ Đối tác Chiến lược và Việt Nam đã có quan hệ Đối tác toàn diện, hữu nghị với nhiều nước Châu Âu.
Nền kinh tế hai bên mang tính bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh. Kinh tế các nước Châu Âu, có quy mô chiếm hơn 26% GDP toàn cầu, đang có đà phát triển tích cực và là một động lực quan trọng của kinh tế thế giới và là đối tác phát triển quan trọng hàng đầu, thị trường lớn của Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia có chính trị xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, liên tục trong nhiều năm. Quy mô nền kinh tế, thu nhập người dân ngày càng tăng, tầng lớp trung lưu hiện chiếm trên 13% dân số, sức mua của thị trường nội địa trên 93 triệu dân tăng nhanh. Tinh thần doanh nghiệp, khởi nghiệp đang trở thành động lực cho phát triển quốc gia, nhất là trong lớp thanh niên trẻ.
Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp, tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị, đem lại cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư và doanh nghiệp Châu Âu...
Tất cả các biện pháp cải cách đó đang lan tỏa đến 63 tỉnh, thành phố, địa phương nơi các nhà đầu tư và doanh nghiệp Châu Âu đã, đang và sẽ có các dự án hợp tác, đầu tư kinh doanh. Hội nhập quốc tế của Việt Nam đang chuyển sang một giai đoạn mới hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực với mức độ đan xen, liên kết lớn hơn bao giờ hết. Một bước tiến lớn giữa hai bên là Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã hoàn tất rà soát pháp lý và đang bước vào giai đoạn chuẩn bị cho ký chính thức và phê chuẩn...
Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cùng với sự hợp tác hiệu quả của các đối tác quốc tế, trong đó có các đối tác Châu Âu, đang tạo nên một dòng chuyển động tràn đầy sinh khí, tạo nên diện mạo mới, năng động mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, nâng tầm trình độ phát triển quốc gia trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để Việt Nam có thể tham gia sâu hơn, vươn lên những thang, bậc có giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
Hợp tác Việt Nam và Châu Âu, không chỉ hợp tác kinh tế mà hợp tác văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, giao lưu nhân dân… cũng được chú trọng đẩy mạnh. Gần đây nhất, trong 3 ngày từ ngày 4 đến 6-5, tại Trung tâm Hà Nội đã diễn ra sự kiện "Ngôi làng Châu Âu" - một chương trình văn hóa nghệ thuật độc đáo, giới thiệu tính đa dạng văn hóa của Châu Âu từ nghệ thuật, ẩm thực cho đến phong cách sống.
Ngoài ra, còn có sự kiện "Những ngày sách Châu Âu" tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các độc giả Việt Nam có cơ hội khám phá các cuốn sách mới từ Áo, Đan Mạch, Đức, Phần Lan, Pháp, Czech, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Italia, Bỉ.
Đó là những cơ hội mới cùng với nhiều hoạt động văn hóa Việt Nam tại Châu Âu đang góp phần làm tăng hiểu biết và giao lưu người dân, tạo nên tầng sâu của những kết nối hữu nghị, bền chặt của hai bên.
Cơ hội và tiềm năng hợp tác không chỉ đến từ Việt Nam, mà còn đến từ sự sẵn sàng và quyết tâm của Châu Âu. Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng với hơn 2.000 doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam.
Nhu cầu phát triển của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực phù hợp với thế mạnh của các doanh nghiệp Châu Âu về vốn, quản trị, công nghệ tiên tiến trong phát triển cơ sở hạ tầng, cảng biển, cảng hàng không, giao thông đô thị, năng lượng, điện, dầu khí, các ngành công nghệ chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, chế biến thực phẩm, phát triển nông nghiệp, du lịch, y tế…
Đồng thời, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ, các đối tác Châu Âu hoàn toàn có thể thể hiện năng lực của mình trên những lĩnh vực liên quan đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu cũng như các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, phát triển thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, du lịch bền vững hay đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước kết quả trong Báo cáo khảo sát của EuroCham về môi trường đầu tư Việt Nam tháng 3-2018 vừa qua, trong đó 90% doanh nghiệp Châu Âu mong muốn duy trì và tăng đầu tư tại Việt Nam. Thủ tướng mong rằng đến kỳ khảo sát lần sau con số này phải tiến tới gần 100%. Việt Nam phải trở thành điểm đến hấp dẫn, ổn định và lâu dài cho tất cả các doanh nghiệp Châu Âu.
Điều đó không chỉ là nỗ lực của Châu Âu mà còn là nỗ lực của Chính phủ, của các bộ, ngành và đặc biệt là địa phương, đối tác, doanh nghiệp Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải lắng nghe, tạo điều kiện, giải quyết các khúc mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp, đối tác Châu Âu trong kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng kỳ vọng các doanh nghiệp Châu Âu có một chiến lược đầu tư, kinh doanh lâu dài ở Việt Nam, tạo dựng kết nối ngày càng hiệu quả với các đối tác của Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao để vượt qua, đồng thời mong muốn có sự chia sẻ, trao đổi cởi mở, thẳng thắn về tất cả cơ hội, thách thức và biện pháp để cùng phát triển, cùng có lợi. Bộ Ngoại giao, Ban tổ chức Hội nghị sẽ tiếp thu đầy đủ các khuyến nghị, đề xuất của đối tác Châu Âu tại Hội nghị này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.