Bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, tối 11-11, tại Quảng trường Sông Hoài, Khu phố cổ Hội An - Di sản Văn hóa thế giới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cùng khai trương Không gian văn hóa Việt Nam-Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khai trương Không gian văn hóa Việt-Nhật. (Ảnh: TTXVN) |
Hai Thủ tướng đã cùng đi bộ tham quan Khu phố cổ Hội An và có cuộc hội đàm ngay trong không gian văn hóa cổ kính, đặc sắc gắn liền với lịch sử giao thương này của hai nước.
Trong sử sách, thương cảng Hội An được đánh dấu mốc hình thành từ đầu thế kỷ XVI. Tuy nhiên, ít người biết rằng việc ra đời điểm giao thương quốc tế đầu tiên này lại gắn với giai đoạn biến đổi lịch sử ở một đất nước cách xa hàng nghìn dặm, đó chính là Nhật Bản. Từ thế kỷ XVII, các thương nhân Nhật Bản đến Hội An buôn bán đã định cư ở cảng thị này và lập phố người Nhật ở Hội An.
Trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 6-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng phát biểu, người Nhật Bản là những nhà kinh doanh quốc tế thuộc thế hệ đầu tiên, đã có những đóng góp quan trọng đưa Hội An tham gia vào hệ thống thương mại xuyên biên giới, trở thành nơi mà cho đến hôm nay vẫn còn lưu lại nhiều dấu tích của một mô hình cảng thị hội nhập quốc tế ở vào buổi sơ khai của nền thương mại toàn cầu.
Cũng trong chuyến thăm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trân trọng mời Thủ tướng Shinzo Abe thăm Hội An.
Sau khi thực hiện nghi thức khai trương Không gian văn hóa Việt Nam-Nhật Bản, hai Thủ tướng đã tới xem Châu Ấn thuyền, chứng kiến nghi thức mô phỏng đám cưới thương nhân Asaki Sotaro và công nữ Ngọc Hoa năm xưa. Châu Ấn thuyền - một biểu tượng văn hóa Việt-Nhật, là món quà do tỉnh Nagasaki Nhật Bản tặng thành phố Hội An, thể hiện mối quan hệ thắm tình hữu nghị giữa hai địa phương, hai dân tộc Việt Nam-Nhật Bản bền vững suốt hơn 400 năm qua.
Đây là loại thuyền buồm thương mại của Nhật Bản được cấp phép thông hành có dấu triện đỏ đi tới các cảng Đông Nam Á trong thời Mạc phủ Tokugawa nửa đầu thế kỷ XVII.
Chiếc thuyền được tặng này do chính các kỹ sư đến từ Nhật Bản thiết kế và tạo hình mô phỏng theo hình dáng chiếc thuyền đầu tiên của thương nhân Nhật đến phố cổ Hội An từ xa xưa.
Sau đó, như những vị khách du lịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe đã cùng tản bộ, tham quan chứng kiến cảnh buôn bán, sinh hoạt thường ngày của người dân tại phố cổ Hội An.
Hai Thủ tướng cũng đã ghé thăm một số nhà dân, thân mật chuyện trò với người dân phố cổ Hội An và các du khách trong không khí thân tình, thắm tình hữu nghị Việt-Nhật.
Cũng trong tối 11-11, hai Thủ tướng đã có cuộc hội đàm và cùng ăn tối tại một nhà hàng nhỏ trong Khu phố cổ Hội An.
Tại hội đàm, hai Nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản thời gian qua với sự tin cậy cao về chính trị, giao lưu cấp cao diễn ra sôi động với nhiều chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước trong năm 2017, trong đó có chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Shinzo Abe tháng 1-2017 và chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháng 6-2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đi thăm Phố cổ Hội An. (Ảnh: TTXVN) |
Hai bên cùng nhất trí về phương hướng và biện pháp cụ thể để triển khai các thỏa thuận đã đạt được theo tinh thần Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản, qua đó thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam-Nhật Bản phát triển thực chất và hiệu quả trên mọi lĩnh vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Thủ tướng Shinzo Abe được bầu lại làm Thủ tướng Nhật Bản và thắng lợi của Đảng Dân chủ Tự do tại cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua; cảm ơn tình cảm và sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đối với thiệt hại do lũ lụt, lở đất xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam tháng 10-2017 và thiệt hại tại các tỉnh miền Trung Việt Nam do cơn bão số 12.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam nhất quán coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, lâu dài.
Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ vui mừng khi đến Việt Nam lần thứ hai trong năm 2017 và cho biết, Việt Nam cũng là nước đầu tiên Thủ tướng Abe đến thăm ngay sau khi được bầu lại làm Thủ tướng Nhật Bản; đồng thời khẳng định, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ vì sự phát triển của Việt Nam.
Hai bên nhất trí phát huy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng, nâng tầm quan hệ đi vào chiều sâu, hiệu quả thông qua việc duy trì các chuyến thăm cấp cao và giao lưu các bộ ngành, địa phương, tăng cường hợp tác về đầu tư, thương mại, ODA.
Hai Thủ tướng nhất trí phối hợp triển khai các kế hoạch hành động của 6 ngành được ưu tiên của Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt-Nhật, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.
Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội thông qua nguồn vốn ODA và đào tạo nguồn nhân lực, cho biết sẽ cho tiến hành khảo sát cơ bản về dự án đường cao tốc Hà Nội-Vientiane.
Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm mạnh mẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản, đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam và đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp ô tô, nông nghiệp chất lượng cao.
Hai Thủ tướng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông; khẳng định phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như ASEAN, APEC, ASEM, Liên hợp quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.