(HNMO) - Chiều 2-4, sau phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp báo.
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đầu phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh thông điệp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp là cần tập trung phát triển kinh tế, đặc biệt quan tâm đến tăng trưởng nhưng không bỏ quên các vấn đề xã hội bức bối hiện nay.
Thời gian qua nổi lên nhiều vấn đề mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc như hoạt động mê tín, dị đoan xảy ra tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), các vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra tại Hưng Yên, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu; tình trạng buôn bán ma tuý số lượng lớn (3 vụ vừa được triệt phá có số tang vật thu giữ trên 1 tấn heroin); dịch bệnh ở gia súc, gia cầm...
"Tình trạng bạo lực học đường có phải là vấn đề báo động hay không?" - Thủ tướng Chính phủ nêu câu hỏi trước các thành viên Chính phủ và yêu cầu phải giải đáp. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của địa phương, của trường học và xã hội ra sao? Cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn để bạo lực học đường không trở thành những vấn đề đáng báo động của xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, mặc dù phát triển kinh tế vô cùng quan trọng nhưng cần thảo luận rõ nét hơn về vấn đề xã hội để thực hiện đúng mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau; giải quyết toàn diện các vấn đề xã hội, đặc biệt là các vấn đề gây bức xúc, dư luận quan tâm trong văn hoá, giáo dục.
Từ đó, Thủ tướng nêu Chính phủ cần quan tâm 3 trụ cột phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. "Nếu coi nhẹ vấn đề xã hội thì đến một lúc nào đó kinh tế cũng không phát triển được" - Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề.
Về việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế, trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đều được dự báo tăng chậm lại, cùng với trong nước những rủi ro về bệnh Dịch tả lợn châu Phi, biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu tiêu cực, hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên…
GDP quý I-2019 đạt ở mức cao, tăng 6,79% (tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 tăng 7,45% nhưng cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017, năm 2017 tăng 5,15%). Đây là mức tăng cao, thể hiện kinh tế trong nước tiếp tục ổn định, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng rõ nét hơn, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện.
Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2019 giảm 0,21% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 8,7%). CPI bình quân quý I/2019 tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,8%.
Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt hơn 5,1 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,12 tỷ USD tăng 6,2%. Có thể nói, thu hút FDI là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế quý I, với nhiều dự án lớn, chất lượng tốt, công nghệ tốt, hàm lượng khoa học, công nghệ rất cao.
Đặc biệt, đời sống dân cư ổn định, thiếu đói trong dân giảm đáng kể (quý I-2019 cả nước có 28.500 lượt hộ thiếu đói, giảm 38,3% so với cùng kỳ năm 2018). Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp 2,17%.
Trong tháng, các đội tuyển bóng đá đã lập chiến công khi đội tuyển U23 Việt Nam thắng U23 Thái Lan 4-0 để lọt vào vòng chung kết châu lục và U19 Việt Nam thắng U19 Thái Lan 1-0 đăng quang một giải đấu quốc tế lứa tuổi U19.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần bứt phá, quyết tâm hơn để hoàn thành toàn diện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, đúng như tinh thần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo là năm 2019 phải tốt hơn 2018.
Theo đó, Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm hành động; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ; nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thành công và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2019.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.