(HNMO) - Chiều 16-11, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tổ chức phiên họp thứ 3 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.
Cùng dự tại điểm cầu Chính phủ có các Phó Trưởng ban Chỉ đạo: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; cùng lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo, các nhà thầu và doanh nghiệp liên quan.
Tại điểm cầu 40 tỉnh, thành phố trên cả nước có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn. Chủ trì tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cùng đại diện các đơn vị, sở, ngành liên quan của thành phố.
Khối lượng công việc lớn, nhiều vướng mắc phát sinh
Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nêu, sau 2 cuộc họp diễn ra định kỳ vào tháng 9, 10, phiên họp lần thứ 3 nhằm kiểm điểm, đánh giá tình hình triển khai các dự án bảo đảm mục tiêu đề ra.
“Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta tập trung lớn cho phát triển cao tốc với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000km đường và Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Năm 2022, dự kiến sẽ khánh thành khoảng 360km và có khoảng 2 tuyến 200km sẽ thông xe, nâng tổng số đường cao tốc hoàn thành đến năm 2022 đạt 1.500km. Với 1.500km còn lại, hiện đã khởi công khá nhiều dự án cũng như đang chuẩn bị các thủ tục khởi công với tiến độ gấp liên quan đến giải phóng mặt bằng, tiến độ công trường các dự án đầu tư”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, sau khi bổ sung, hiện nay tổng số các công trình, dự án thuộc Ban Chỉ đạo là 70 dự án, dự án thành phần tại 40 tỉnh, thành phố, gồm 63 dự án đường bộ, 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không.
Tiếp đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ báo cáo tiến độ thực hiện cụ thể đối với từng dự án thuộc nhóm dự án đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án cao tốc phân cấp cho địa phương…
Về nhóm dự án đường sắt đô thị do UBND thành phố Hà Nội làm cơ quan chủ quản, với dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, UBND thành phố đã hoàn thành chi trả kinh phí hỗ trợ và tạm cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi thi công ngầm. Các hộ dân đã ký biên bản thỏa thuận tạm cư và cam kết bàn giao mặt bằng. Sản lượng thực hiện tăng 0,44% so với cùng kỳ báo cáo trước. Đến nay, chủ đầu tư đã bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để phấn đấu đưa đoạn trên cao vào vận hành trong tháng 12-2022.
Về dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Chính phủ đã họp và thống nhất vị trí ga ngầm C9. UBND thành phố đang hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. UBND thành phố Hà Nội cần quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành và đưa vào khai thác đoạn tuyến trên cao Nhổn - ga Hà Nội vào cuối năm 2022.
Trong phần lớn thời gian của phiên họp, dưới sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo tiến độ thực hiện cũng như các khó khăn, vướng mắc phát sinh có liên quan đến nội dung công việc cụ thể được phân công đảm nhiệm.
Theo báo cáo của các đơn vị, khối lượng công việc cần triển khai của các dự án quan trọng quốc gia rất lớn, trong khi việc triển khai gấp, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương nên tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu. Với các dự án cao tốc phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản có sử dụng nguồn vốn phục hồi kinh tế, nguồn vốn trung hạn, nguồn vốn vượt thu…, việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; xác định giá đất, giá bồi thường cây trồng; lập phương án di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; xây dựng khu tái định cư gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Cần đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc triển khai hiệu quả các dự án sẽ góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược tại Đại hội XIII của Đảng, trong đó có đột phá về hạ tầng giao thông.
“Tại nhiệm kỳ này, nhờ các dự án tiết kiệm thu chi, dự án tăng thu, chương trình phục hồi, điều chỉnh các dự án có trọng tâm, trọng điểm nên chúng ta đã huy động 470.000 tỷ đồng cho đầu tư công nói chung, trong đó đặc biệt về hạ tầng giao thông vận tải. So với 134.000 tỷ đồng của nhiệm kỳ trước thì con số mới gấp khoảng 3 lần. Do đó, chúng ta phải có cách làm mới, thực hiện đổi mới tư duy tiếp cận, xử lý vấn đề cũng như đổi mới cách tổ chức thực hiện. Mọi việc phải nói đi đôi với làm, đã nói phải thực hiện và thực hiện cho hiệu quả”, Thủ tướng Chính phủ nêu ra yêu cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh đến tính kỷ luật, kỷ cương trong họp Ban Chỉ đạo để thể hiện rõ trách nhiệm của từng thành viên. Trong lúc đất nước khó khăn, việc đẩy mạnh đầu tư công và sản xuất kinh doanh để tạo công ăn việc làm, sinh kế, thu nhập cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát các thủ tục đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thủ tục hành chính, quy trình, quy phạm, tư vấn thiết kế, giám sát theo quy định của pháp luật, xem còn vướng mắc chỗ nào, thuộc thẩm quyền của bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó phải làm. Chỗ nào chậm thì làm văn bản báo cáo trực tiếp Thủ tướng.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, trong lúc khó khăn này, việc đẩy mạnh đầu tư công, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để tạo việc làm, hỗ trợ an sinh xã hội là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, bởi có đầu tư công để tạo việc làm, tạo sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập cho người dân; góp phần vào tăng trưởng. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp lãnh đạo phải suy nghĩ vấn đề khi mà người dân, doanh nghiệp đang hết sức cần có việc làm, có tăng trưởng.
Thủ tướng chỉ rõ: “Chúng ta phải làm vì dân, vì nước, không phải vì cá nhân nào cả. Các đồng chí còn là đảng viên, cán bộ thì phải cùng suy nghĩ để cùng làm trong lúc khó khăn, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, tăng trưởng cho đất nước, không lãng phí nguồn lực”.
Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh, nghiêm túc trong việc này. Ai không làm được thì phải thay thế. Đảng đã xác định việc này quan trọng, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết về vấn đề này. Phải thống nhất nhận thức để làm. Phải rà soát lại các thủ tục đầu tư nhanh; thẩm quyền của ai thì người đó làm, không chờ đợi. Các bộ, ngành, địa phương gửi văn bản chính thức nêu rõ vướng cái gì, ở đâu, không nói chung chung.
Trong đó, các bộ, ngành phải rà soát lại các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Nếu có vốn rồi phải làm cho nhanh, phải đầu tư công sức, “đắm đuối” với nó, phải lăn lộn, trách nhiệm thì mới làm được. Về giải phóng mặt bằng, tái định cư, các tỉnh phải nghiên cứu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; đây là việc khó nhưng không có nghĩa khó là không làm được.
Về đấu thầu, đấu giá, Thủ tướng yêu cầu phải hết sức trách nhiệm, đúng quy định, đúng tinh thần chống tham nhũng, tiêu cực; không để xảy ra tiêu cực, vi phạm, “thông thầu” dẫn đến phải xử lý pháp luật. Đối với công tác tổ chức thực hiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị nêu cáo tinh thần trách nhiệm, đề cao lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm của đảng viên; thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi tiến độ hằng tháng.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành phải ngồi lại với nhau, tìm ngay giải pháp, xử lý ngay vấn đề; các vấn đề cần phải điều chỉnh thì phải làm nhanh, đúng quy trình, thủ tục; cấc bộ ngành không lòng vòng, giảm bớt giấy tờ.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo không khởi công các công trình mới trừ trường hợp đặc biệt liên quan an ninh quốc gia, chống biến đổi khí hậu; phải rà soát từ Trung ương đến địa phương, không nể nang, phải làm việc nào dứt việc đó.
Đối với các vấn đề liên quan nguyên vật liệu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ xử lý các vấn đề phát sinh; vượt thẩm quyền phải báo cáo, quá ngày theo quy định mà không có trả lời thì tiếp tục báo cáo vượt cấp.
Về dự án đường cao tốc phía đông giai đoạn 2017-2020 gồm 4 dự án thành phần mà chưa hoàn thành, Thủ tướng nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương phải thấy được trách nhiệm của mình. Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải phải bằng mọi cách hoàn thành, không lùi tiến độ các dự án này. Các ban quản lý không hoàn thành thì phải thay người.
Đối với dự án Cao tốc phía Đông giai đoạn 2021-2025, theo Thủ tướng, so Nghị quyết của Chính phủ thì các gói thầu này phải khởi công cuối năm 2022 như vậy đến nay chưa đạt tiến độ; phải phấn đấu khởi công các gói này trước ngày 31/12/2022. Mặt khác, Bộ giao thông vận tải phân ra thành 21 gói thầu, mỗi gói thầu có 29 km, như vậy số gói thầu vẫn nhiều, nguy cơ tiêu cực. Do đó phải chấn chỉnh lại việc này căn cứ thực tế. “Kinh nghiệm cho thấy cần có tổng thầu để rõ trách nhiệm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vấn đề kiểm toán các dự án này; xem xét việc thực hiện chỉ định thầu hay đấu thầu quốc tế. Trong đó, đối với gói thầu xây dựng nhà ga chính Cảng hàng không quốc tế Long Thành trị giá tới 40 nghìn tỷ đồng, cần kiểm tra lại nhà thầu trong nước có bảo đảm năng lực hay không; tổ chức thực hiện đúng quy định ngay từ đầu, bảo đảm công khai, minh bạch.
Về dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, trong tháng 11- 2022, Bộ Quốc phòng, thành phố Hồ Chí Minh phải hoàn thành bàn giao mặt bằng. Nếu không thực hiện đúng tiến độ, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân. Về dự án cao tốc Hòa Bình – Sơn La, Tuyên Quang – Hà Giang…, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát lại, xác định những vấn đề còn vướng mắc báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo xử lý ngay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại các vấn đề về vốn; cấp ngay vốn cho các đơn vị; Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Tài chính nghiên cứu tăng vốn điều lệ của các ngân hàng để có điều kiện hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp; Bộ Tài chính rà soát lại các dự án sử dụng vốn ODA... Người đứng đầu Chính phủ mong muốn các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần trách nhiệm phải phối hợp chặt chẽ; thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.