Sáng 12/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam lên đường thăm chính thức Vương quốc Bỉ, Liên minh châu Âu (EU), Cộng hòa Liên bang Đức (từ ngày 13-15/10), tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 10 (ASEM 10) tại Milan, Cộng hòa Italy (từ ngày 16-17/10) và thăm Tòa thánh Vatican (ngày 18/10/2014).
Quan hệ Việt Nam-Bỉ phát triển tốt đẹp
Chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng theo lời mời của Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương giữa 2 nước trên các lĩnh vực, nhất là hợp tác trong lĩnh vực cảng biển, dịch vụ kho vận, tăng trưởng xanh, công nghệ cao, viện trợ phát triển; đồng thời hai bên cũng sẽ trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Bỉ tiếp tục có những bước phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực; hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao; phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hiệp quốc và trong khuôn khổ ASEM, ASEAN-EU. Quan hệ thương mại, đầu tư gia tăng liên tục, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2013 đạt 1,8 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2012; trong 6 tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Bỉ vào Việt Nam đạt trên 155 triệu USD. Việt Nam là nước châu Á duy nhất nhận viện trợ phát triển của Bỉ (khoảng 78 triệu USD cho giai đoạn 2011-2015). Hiện hai bên đang tập trung hợp tác trong những lĩnh vực ưu tiên như phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ hậu cần, giao thông vận tải, công nghệ xanh, y tế, giáo dục…
Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam-EU
Quan hệ Việt Nam-EU phát triển thực chất và toàn diện với việc hai bên chính thức ký Hiệp định khung Đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) và đang hướng tới kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (EVFTA).
Về chính trị, hai bên duy trì thường xuyên trao đổi và tiếp xúc cấp cao; lãnh đạo cấp cao hai bên luôn khẳng định coi trọng quan hệ và mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt tương xứng với tiềm năng và vị thế của hai bên.
EU là đối tác hàng đầu của Việt Nam về thương mại, đầu tư và viện trợ phát triển. Trao đổi thương mại song phương liên tục tăng từ 15-20% hằng năm. Trong 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 17,5 tỷ USD (tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2013). Tính đến tháng 6/2014, 23/28 nước thành viên EU có đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt gần 18,4 tỷ USD. EU và các nước thành viên là nhà tài trợ song phương lớn thứ 2 về ODA và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam.
Chuyến thăm EU của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhằm trao đổi phương hướng hợp tác Việt Nam-EU trong thời gian tới, thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán EVFTA và thảo luận về việc tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, ASEM, ASEAN-EU.
Triển khai Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam-Đức
Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao. Đức tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong châu Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 6 tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 3,6 tỷ USD. Tính đến tháng 8/2014, đầu tư trực tiếp của Đức vào Việt Nam đạt 1,25 tỷ USD với 232 dự án còn hiệu lực, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất thiết bị, năng lượng, hóa chất, y dược… Đức cam kết cung cấp 100 triệu USD viện trợ phát triển cho Việt Nam trong giai đoạn 2014-2015, tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên là môi trường, năng lượng và dạy nghề. Năm 2015, hai nước sẽ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975-2015).
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhằm triển khai Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam-Đức; thúc đẩy hợp tác giữa 2 nước trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực lao động, đào tạo nghề, giáo dục và các dự án đã lớn đã ký kết; chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đức trong năm 2015 và trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Việt Nam-Thành viên tích cực của ASEM
Nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Italy Matteo Renzi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 10 (ASEM 10) tại Milan, Cộng hòa Italy từ ngày 16-17/10.
Với chủ đề “Đối tác trách nhiệm vì tăng trưởng và an ninh bền vững”, Hội nghị cấp cao ASEM 10 có sẽ tập trung thảo luận 4 nội dung chính là: các vấn đề kinh tế-tài chính và kết nối Á-Âu; các vấn đề toàn cầu; các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; định hướng tương lai ASEM. Ngoài ra, trước thềm Hội nghị cấp cao ASEM 10 sẽ diễn ra cuộc họp cấp cao không chính thức ASEAN-EU.
Qua 18 năm tham gia ASEM, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm, phát huy được vai trò và vị thế tại Diễn đàn, nổi bật nhất là việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEM 5 (2004) và 5 Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực: kinh tế, công nghệ-thông tin, ngoại giao, giáo dục, lao động.
Để tiếp tục nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam với EU và các đối tác quan trọng khác trong ASEM cũng như đóng góp cho quan tâm chung, trong năm 2014, Việt Nam sẽ tiếp tục có những đề xuất, sáng kiến tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như thực hiện các “Mục tiêu Thiên niên kỷ” (xóa nghèo), đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực, quản lý nguồn nước, ứng phó thiên tai, thúc đẩy hợp tác cụ thể Mekong-Danube. Việt Nam cũng sẽ tổ chức Hội thảo ASEM không chính thức về nhân quyền lần thứ 14 với chủ đề “Doanh nghiệp và quyền con người” (Hà Nội, 18-20/11), hoạt động lớn nhất Việt Nam đăng cai năm nay trên tư cách thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc, góp phần tăng cường đối thoại và hiểu biết giữa 2 châu lục.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 10 lần này nhằm tiếp tục chủ động đóng góp vào các nội dung quan trọng của Hội nghị, nâng cao vị thế của Việt Nam; phối hợp trong các vấn đề phát triển, an ninh; tăng cường hợp tác song phương với các nước thành viên nhằm nâng tầm quan hệ đối tác.
Tăng cường quan hệ Việt Nam-Vatican
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Tòa thánh Vatican theo lời mời của Giáo hoàng Francis vào ngày 18/10 tới nhằm tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam-Vatican.
Thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Vatican tiếp tục có những bước phát triển tích cực. Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gặp Giáo hoàng nhân các chuyến thăm tới Italy. Hai bên đã tổ chức 5 vòng đàm phán của Nhóm Công tác hỗn hợp về quan hệ Việt Nam-Vatican. Từ tháng 4/2011, Đặc phái viên không thường trú của Vatican tại Việt Nam đã thực hiện nhiều chuyến thăm mục vụ tại Việt Nam, tham gia các hoạt động tôn giáo lớn của Giáo hội Công giáo Việt Nam và thăm các địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.