Chiều nay, 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu, một trong những tỉnh khó khăn nhất cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đây là địa phương thứ hai mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến làm việc, sau khi đến tỉnh Quảng Trị, cũng là một tỉnh nghèo, vào ngày 16/4.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận sự nỗ lực không ngừng của lãnh đạo tỉnh Lai Châu, với nhiều kết quả tích cực về kinh tế-xã hội.
Về các định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tập trung thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp.
“Hiện nay, số lượng doanh nghiệp trong tỉnh còn ít quá. Các đồng chí cần quan tâm đến vấn đề này”, Thủ tướng nêu rõ.
Bên cạnh đó, Lai Châu tiếp tục tập trung chăm lo đầu tư cho giáo dục, nâng cao dân trí, kiên cố hóa trường lớp học, “không để tình trạng con em mù chữ”. Quan tâm hơn nữa đến công tác an sinh xã hội như hỗ trợ người dân tái định cư, ổn định cuộc sống sau khi nhường đất cho xây dựng các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số kiến nghị cụ thể của tỉnh như đồng ý giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm Đường nối cao tốc Hà Nội-Lào Cai với TP. Lai Châu; sân bay Lai Châu; các bộ, ngành khẩn trương bố trí vốn theo kế hoạch để thực hiện dự án đường giao thông liên vùng - đường tỉnh 107.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lai Châu quan tâm phát triển doanh nghiệp trong tỉnh. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Về đề nghị thực hiện tạm nhập tái xuất hàng hóa qua lối mở để khai thác lợi thế của khu kinh tế cửa khẩu, Thủ tướng nhất trí về chủ trương, yêu cầu thực hiện chặt chẽ theo quy định và “tuyệt đối không để xảy ra tình trạng buôn lậu”.
Trước đó, báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu cho biết, cả nước có 62 huyện nghèo thì có 6 huyện nghèo của tỉnh Lai Châu. Theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới hơn 40%. Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải còn rất khó khăn, đầu tư phát triển đối với Lai Châu còn thấp. Đa số nguồn chi (80%) dành cho an sinh xã hội, chỉ còn khoảng 20% chi cho đầu tư. Cơ sở vật chất phục vụ dạy và học còn khó khăn, hiện toàn tỉnh vẫn còn 1.167 phòng học tạm, 185 phòng học nhờ. Lai Châu đã có nhiều giải pháp để khắc phục các khó khăn, nỗ lực thực hiện bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân, tuy nhiên, tỉnh rất cần sự hỗ trợ của Trung ương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.