Theo tin mới nhất ngày 7/4, trên đài phát thanh Kyrgyzstan, thủ lĩnh phe đối lập Temir Sariyev tuyên bố Thủ tướng nước này Daniyar Usenov đã ký đơn từ chức.
Thủ tướng Kyrgyzstan Daniyar Usenov. (Ảnh: Reuters) |
Theo tin mới nhất ngày 7/4, trên đài phát thanh Kyrgyzstan, thủ lĩnh phe đối lập Temir Sariyev tuyên bố Thủ tướng nước này Daniyar Usenov đã ký đơn từ chức.
Như vậy, một chính phủ mới được thành lập dưới sự chỉ đạo của cựu Ngoại trưởng Roza Otunbayeva và phe đối lập đã chiếm giữ tòa nhà chính phủ ở thủ đô Bishkek.
Trong khi đó, một nguồn tin giấu tên cho hay Tổng thống Kyrgyzstan Kurmanbek Bakiyev đã rời thủ đô trên một máy bay nhỏ cùng một vài người sau khi xảy ra các cuộc bạo động ở thủ đô.
Nguồn tin trên không cho biết máy bay đi đâu mà chỉ cho biết nó sẽ sớm phải hạ cánh để tiếp nhiên liệu và nhiều khả năng là tại nước láng giềng.
Theo tin mới nhất, số người chết trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở Kyrgyzstan đã lên đến gần 100 người, và khoảng 200 người bị thương. Các trường hợp bị thương chủ yếu ở thủ đô Bishkek.
Người đứng đầu bộ phận Dịch vụ báo chí của Bộ Nội vụ Kyrgyzstan cho biết Phó Thủ tướng Akylbek Zhaparov đang bị giam giữ tại trụ sở Sở cảnh sát thành phố Talas, nơi ông bị bắt làm con tin.
Hiện chưa biết số phận Bộ trưởng Nội vụ Moldomus Kongantiyev ra sao. Có tin nói ông đã chết, song có nguồn tin khẳng định ông còn sống.
Các tòa nhà của Bộ Quốc phòng và Tổng Công tố viên đã bị đốt cháy, trong khi tiếng súng hiện vẫn không ngừng ở thủ đô Bishkek. Một cảnh sát khu vực nói với phóng viên Tân hoa xã rằng cảnh sát đã bắn chết 10 người bên ngoài Dinh Tổng thống khi họ cố giải tán đám đông người biểu tình.
Một thủ lĩnh phe đối lập, ông Omourbek Tekebaïev đã xuất hiện trên truyền hình quốc gia, yêu cầu chính quyền Kyrgyzstan lập tức từ chức và trao quyền lực cho phe đối lập.
Trước tình hình này, Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Nga ngày 7/4 đã kêu gọi chính phủ và các lực lượng đối lập ở Kyrgyzstan kiềm chế, không sử dụng vũ lực nhằm tránh gây thêm thương vong.
Thông báo của Liên hợp quốc cho biết Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã "bị sốc" khi hay tin về số người chết và bị thương ở Kyrgyzstan, nơi ông vừa tới thăm ngày 3/4 vừa qua.
Thông báo cũng cho biết ông Ban Ki-moon sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình nơi đây và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tiến hành đối thoại nhằm tránh gây đổ máu thêm.
Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề đối ngoại Catherine Ashton bày tỏ lo ngại sâu sắc về diễn biến mới ở Kyrgyzstan, đồng thời kêu gọi Chính phủ cũng như các lực lượng đối lập ở nước này kiềm chế, nối lại đối thoại ngay lập tức trên tinh thần giải quyết xung đột bằng giải pháp hòa bình.
Bà nhấn mạnh bất kỳ diễn biến nào ở Kyrgyzstan đều phải tôn trọng Hiến pháp, luật pháp, đặc biệt phải tôn trọng quyền bảo vệ người bị bắt giữ. Theo bà Ashton, tại thời điểm nghiêm trọng hiện nay, Kyrgyzstan phải tôn trọng cam kết dân chủ của mình.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin đã bác bỏ cáo buộc cho rằng Mátxcơva dính líu đến các sự kiện đang diễn ra tại Kyrgyzstan.
Sau khi khẳng định cáo buộc này hoàn toàn vô căn cứ và có ý đồ xấu, ông kêu gọi các bên xung đột ở Kyrgyzstan giải quyết tình hình trong nước bằng các biện pháp hợp hiến, tránh sử dụng vũ lực và gây đổ máu.
Trước đó, Đại sứ quán Mỹ tại Kyrgyzstan đã ra thông cáo nói rằng Washington quan ngại sâu sắc trước làn sóng bạo loạn mới ở Kyrgyzstan, đồng thời hối thúc các bên liên quan xúc tiến đàm phán càng sớm càng tốt và giải quyết bất đồng trong khuôn khổ luật pháp./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.