Thăm và làm việc với Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nhà khoa học cần nghĩ xem giống nào, cách nào để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo, cán bộ của Viện Lúa ĐBSCL - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Sáng nay (13/6), trong khuôn khổ chuyến công tác tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, làm việc với lãnh đạo, cán bộ của Viện Lúa ĐBSCL.
Tạo ra giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, qua 40 năm xây dựng và phát triển, Viện Lúa ĐBSCL đã có đóng góp quan trọng, đưa nước ta trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Thủ tướng đã đặt ra một số vấn đề lớn mà các nhà khoa học của Viện cần tập trung giải quyết. Đó là tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt tác động tiêu cực đến nước ta, nhất là vùng ĐBSCL. Chúng ta đã mất 1 triệu tấn thóc do hạn, mặn, nên các nhà khoa học cần nghĩ xem giống nào, cách nào để ứng phó biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, Thủ tướng ra đầu bài và gợi ý, nghiên cứu phát triển giống lúa chịu hạn, chịu mặn chính là một trong những giải pháp quan trọng.
Mặt khác, nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng, nên gạo phải có sức cạnh tranh quốc tế với chất lượng cao, do vậy “Phải làm cái người ta cần chứ không phải cái chúng ta có”, Thủ tướng lưu ý.
Theo Thủ tướng, Viện cần đẩy nhanh chuyển giao tiến bộ khoa học, gắn nghiên cứu với nhu cầu thị trường, với người nông dân, doanh nghiệp. Các nhà khoa học của Viện cũng cần nghiên cứu các loại cây trồng mới phù hợp, có hiệu quả để khi cần vẫn có thể quay trở lại trồng lúa.
Viện cũng cần đổi mới cơ chế quản lý, tài chính theo hướng tự chủ để bảo đảm đời sống, thu nhập của cán bộ cũng như thu hút nhân tài, cán bộ giỏi.
“Tinh thần là cải cách ngành lúa gạo, hướng vào sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, hiệu quả, thu nhập cho nông dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về các kiến nghị cụ thể của Viện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Viện Lúa ĐBSCL - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Để lúa gạo Việt vươn xa
Báo cáo với Thủ tướng, ông Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết, trong gần 40 năm qua, Viện đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất 165 giống lúa; đã chủ động lai tạo thành công nhiều giống lúa có nổi trội đặc biệt về năng suất, rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 120-130 ngày xuống 90-105 ngày, có khả năng chống chịu sâu bệnh, giúp nông dân tăng từ 2-3 vụ, né mặn, tránh lũ.
Nhờ áp dụng các giống lúa OM do Viện lai tạo, năng suất lúa bình quân đã tăng từ 3 tấn/ha/vụ trong những năm 1980 lên 5,8 tấn/ha/vụ như hiện nay. Việc tạo ra các giống lúa mới góp phần đưa sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL từ 4,2 triệu tấn lúa năm 1976 lên 25 triệu tấn vào năm 2015, tăng hơn 6 lần, góp phần làm cho năng suất lúa của nước ta đứng đầu khu vực ASEAN (năng suất bình quân trên 5,8 tấn/ha, gấp 1,5 lần so với lúa của Thái Lan).
Theo ước tính, nếu các giống lúa mới chỉ cần đóng góp 10% vào sự gia tăng năng suất thì với diện tích gieo trồng 4,2 triệu ha tại ĐBSCL mỗi năm, sản lượng tăng thêm là 2,39 triệu tấn, giá trị khoảng 11.970 tỷ đồng (theo giá lúa hiện nay khoảng 5.000đ/kg), trong đó các giống lúa OM của Viện đóng góp khoảng 9.200 tỷ đồng/năm.
Hiện nay, giống lúa OM đã và đang vươn ra quốc tế, như Campuchia, Lào, Brunei, Indonesia, Cuba, các nước Nam Á và châu Phi.
Trong tình hình hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua, Viện đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan biên soạn, phát cho bà con nông dân hơn 20.000 tờ rơi hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa, qua đó hạn chế thiệt hại do hạn, mặn.
Việc sử dụng công cụ và máy gieo lúa theo hàng, kỹ thuật sạ hàng do Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu đã giúp vùng Nam Bộ tiết kiệm 700 tỷ đồng về giống.
Thời gian tới, Viện sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng giao, đồng thời nghiên cứu chọn tạo giống lúa theo hướng chuyển từ năng suất cao sang chất lượng cao, phù hợp với biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL (chống chịu sâu hại cũng như các điều kiện bất lợi như mặn, hạn, ngập, nóng, phèn). Xây dựng những vùng sản xuất gạo đặc sản chuyên canh có giá trị hàng hóa cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn bác sĩ thiện nguyện Đại học Mercer-Hoa Kỳ - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
* Cùng ngày, tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp đoàn bác sĩ thiện nguyện Đại học Mercer- Hoa Kỳ đang thực hiện chương trình thiện nguyện thay chân giả và khám chữa bệnh miễn phí cho các bệnh nhân tại Việt Nam.
Đoàn do GS.TS Võ Văn Hà dẫn đầu cùng hàng chục thành viên là bác sĩ người Mỹ và Việt kiều đang sinh sống, làm việc, học tập tại Mỹ, đặc biệt là những du học sinh của Việt Nam đang theo học tại Đại học Mercer.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự trân trọng, đánh giá cao những hoạt động thiện nguyện của đoàn và mong muốn đoàn bác sĩ thiện nguyện Đại học Mercer-Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng chương trình ý nghĩa này. “Mỗi người làm một việc tốt đóng góp cho xã hội phát triển tốt hơn”, Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng đã đến thăm hỏi, tặng quà một số gia đình chính sách trên địa bàn TP. Cần Thơ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.