(HNMO) - Phát biểu kết luận tại buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sáng 6-5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với các đề xuất, kiến nghị của thành phố Hà Nội; đồng thời nêu 3 nguyên tắc giải quyết.
Hội nghị đã xem phóng sự về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội 4 tháng đầu năm 2023, nửa nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ thành phố. Tiếp đó, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh báo cáo về 5 nhóm đề xuất, kiến nghị của thành phố với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cũng đã bổ sung, làm rõ thêm các nội dung kiến nghị, đề xuất như về Luật Thủ đô (sửa đổi), phân cấp, ủy quyền, phát triển công nghiệp văn hóa, giải quyết vướng mắc liên quan đến Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Cổ Loa; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô...
Lãnh đạo các bộ, ngành và Thường trực Chính phủ đã phát biểu trao đổi, thảo luận, tập trung đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội và giải đáp các đề xuất, kiến nghị của thành phố Hà Nội. Các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, các bộ trưởng, thứ trưởng đều đánh giá cao kinh nghiệm, hiệu quả thực hiện "nhiệm vụ kép" của thành phố trong bối cảnh rất khó khăn; đồng thời khẳng định, trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ và chức năng nhiệm vụ được phân công sẽ nỗ lực cùng với thành phố Hà Nội giải quyết những khó khăn, vướng mắc theo các đề xuất, kiến nghị, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển xứng đáng với vai trò, vị trí Thủ đô - trái tim của cả nước.
Thủ đô phải là hình mẫu cho cả nước
Phát biểu kết luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao thành phố Hà Nội đã chuẩn bị kỹ nội dung báo cáo và các bộ, ngành đã có nhiều ý kiến cụ thể, sát thực tiễn, nhất là về những đề xuất, kiến nghị của Hà Nội. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp những ý kiến phù hợp, xác đáng và sớm hoàn thiện, trình Thông báo kết luận buổi làm việc để ban hành chậm nhất là trong tuần tới.
Nhấn mạnh vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước với Hà Nội là rất lớn. Điều này thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, các nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng và chủ trương sửa đổi Luật Thủ đô với mục tiêu bao trùm tổng thể, toàn diện, đặc biệt là khả thi, hiệu quả cao.
Nêu 6 điểm ấn tượng về những kết quả tích cực của Hà Nội từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận, trong bối cảnh rất khó khăn do đại dịch Covid-19 và khó khăn chung của thế giới do xung đột địa chính trị, lạm phát, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã thể hiện rõ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; thể hiện trách nhiệm cao đối với cả nước nhất là duy trì tăng trưởng kinh tế; chia sẻ, hỗ trợ các địa phương khác trong hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh...
Thủ tướng cũng đánh giá cao tinh thần mạnh dạn đổi mới, sáng tạo khi thành phố tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, ủy quyền; ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa; quyết tâm, quyết liệt tổ chức thực hiện dự án Vành đai 4; tin chắc Hà Nội sẽ khởi công được Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vào tháng 6 tới.
Đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định: Những thành tựu, kết quả của Hà Nội đã góp phần cùng cả nước thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; thúc đẩy hội nhập và đối ngoại; phát triển văn hóa; chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Bên cạnh những kết quả, thành tựu rất cơ bản, Thủ tướng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của Thủ đô; trong đó nhấn mạnh, tăng trưởng cần đẩy mạnh hơn, tập trung vào 3 động lực phát triển chính gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Nhận định tình hình sắp tới vẫn có khó khăn, thách thức còn kéo dài và nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, Thủ tướng mong muốn Hà Nội phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, xây dựng và phát triển Thủ đô toàn diện, nhanh, bền vững, văn hiến, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước.
Đồng chí nhấn mạnh: “Thủ đô phải là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước”.
Nêu rõ một số quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, Thủ tướng yêu cầu, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, triển khai các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Cùng với đó, Chính phủ và Hà Nội cần nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, tầm quan trọng của thành phố trong sự phát triển chung của cả nước - Thủ đô vì cả nước, cả nước vì Thủ đô.
Nhận diện rõ các khó khăn, thách thức, tồn tại hạn chế yếu kém trong quá trình phát triển của thành phố, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá; khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung, tránh khuynh hướng trông chờ, ỷ lại và sợ trách nhiệm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu cụ thể 13 nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm yêu cầu thành phố Hà Nội tập trung thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.
Ba nguyên tắc giải quyết đề xuất, kiến nghị của Hà Nội
Đối với 5 nhóm đề xuất, kiến nghị của thành phố, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng tình; đồng thời chỉ rõ ba nguyên tắc giải quyết các kiến nghị này.
Thứ nhất, các Bộ trưởng trực tiếp giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của các Bộ.
Thứ hai là những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng thì các Bộ trưởng phối hợp với Hà Nội đề xuất.
Thứ ba là đã giải quyết phải bảo đảm khả thi, hiệu quả, đúng hạn, kịp thời.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội rà soát, thống kê các công việc đang vướng mắc, nêu rõ nguyên nhân, ai chịu trách nhiệm gửi Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-5-2023.
Đối với 7 dự án đường sắt đô thị, Thủ tướng yêu cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý các vướng mắc liên quan tới dự án, Bộ Tài chính xử lý các vướng mắc về vốn, Bộ Giao thông Vận tải xử lý các vướng mắc liên quan tới hướng tuyến; hoàn thành trong quý II-2023.
Về hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của Quỹ Phát triển đất, Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng Nghị định về tổ chức và hoạt động Quỹ Phát triển đất, trình Chính phủ trong quý III-2023. Về việc ứng vốn từ Quỹ Phát triển đất để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, Bộ Tài chính nghiên cứu xử lý kiến nghị của Hà Nội, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6-2023.
Về đề nghị Hà Nội được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất từ 10ha đất trồng lúa trở lên sang các loại đất phi nông nghiệp phù hợp với quy hoạch, đây là nội dung được nhiều địa phương kiến nghị, Thủ tướng giao các bộ, ngành khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét ban hành Nghị quyết phù hợp.
Hành lang pháp lý quan trọng tạo động lực cho Thủ đô phát triển
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, những thành tựu đạt được trong thời gian qua, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô, Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Trong đó, trực tiếp đồng chí Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương thường xuyên quan tâm chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại; cũng như trong triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về Hà Nội.
“Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội trân trọng cảm ơn Chính phủ đã xem xét, chấp thuận các kiến nghị, đề xuất của thành phố liên quan đến cơ chế tài chính, thu hút và sử dụng nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, bảo tồn di sản, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc trên địa bàn… Đây là hành lang pháp lý đặc thù, quan trọng để tạo động lực và tăng cường huy động các nguồn lực giúp Hà Nội phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có, xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại, đặc biệt là hiện thực được khát vọng phát triển Thủ đô như tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô nhân dịp đồng chí đến thăm, chúc Tết Quý Mão năm 2023 vừa qua.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đồng thời đề nghị Chính phủ và các cơ quan Trung ương tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng thành phố trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; trước mắt là giúp Hà Nội sớm được thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi); Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn, đặc biệt là Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo đúng tiến độ đã đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.