(HNMO) - Sáng nay, 9-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.
Đây là hội nghị lần thứ tư Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp, được tổ chức thường niên ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tuyến và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 và các ứng dụng online của Đài Truyền hình Việt Nam. Các điểm cầu trực tuyến gồm: Điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình); 30 điểm cầu tại trụ sở các bộ, cơ quan Trung ương và 63 điểm cầu tại các địa phương.
Hội nghị tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề chính.
Một là đánh giá chung về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Hai là đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, địa phương ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid-19, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian qua.
Ba là nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Bốn là các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Tổng chi phí xã hội tiết kiệm hơn 6.300 tỷ đồng/năm
Theo Văn phòng Chính phủ, tính từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Về cung cấp dịch vụ công, các bộ, cơ quan và địa phương đã có nhiều tiến bộ trong việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đến nay, 58/63 tỉnh, thành phố thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh để tiếp nhận, xử lý yêu cầu cung cấp dịch vụ công của người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ giải quyết đúng hẹn đạt 95,8%.
Đặc biệt, từ 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp ở thời điểm khai trương, đến nay, trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 389 dịch vụ công trực tuyến (160 dịch vụ cho công dân, 229 dịch vụ cho doanh nghiệp).
Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp chức năng thanh toán trực truyến, trong đó cho phép người dân, doanh nghiệp kê khai, nộp thuế điện tử, đề nghị gia hạn thuế, nộp phí, lệ phí, các nghĩa vụ tài chính khi giải quyết thủ tục hành chính và các dịch vụ công khác.
Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm; trong đó, riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.
Cung cấp 6 dịch vụ công hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn
Phát huy tinh thần Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ triển khai nhiều chương trình cải cách mới với một loạt nhiệm vụ, giải pháp mới.
Thứ nhất, thông qua Nghị quyết về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 nhằm cắt giảm gánh nặng hành chính cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia hoạt động kinh doanh. Mục tiêu cơ bản là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh để bảo đảm việc cắt giảm thực chất.
Thứ hai, thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Thứ ba, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với bộ, ngành xây dựng phương án kỹ thuật cung cấp 6 dịch vụ công hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đó là hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; kê khai gia hạn nộp thuế doanh nghiệp; kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân; tạm dừng đóng quỹ hưu trí tử tuất; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn.
Các dịch vụ công này sẽ hỗ trợ cho 4 triệu người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid -19, rút ngắn thời gian thực hiện từ 6 đến 10 ngày làm việc với từng đối tượng so với cách triển khai trực tiếp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.