Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng chỉ đạo giải quyết 3 vấn đề về giải ngân vốn đầu tư công

Hà Linh - Hồng Sơn| 16/07/2020 09:32

(HNMO) - Sáng 16-7 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020.

Toàn cảnh hội nghị.

Chủ trì đầu cầu Chính phủ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng lãnh đạo các bộ, ngành.

Tại đầu cầu Hà Nội, dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; các Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản cùng lãnh đạo các sở, ngành... 

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng của cả nước thấp so với nhiều năm, nhân dân đang gặp khó khăn về thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19, như công nhân mất việc làm, người lao động có tiền lương thấp... Nguyên nhân chính là các dòng vốn đầu tư, kể cả đầu tư xã hội và đầu tư Nhà nước, đều chậm, thấp so với nhiệm vụ kế hoạch. Cho nên, đầu tư công là một trong các nhiệm vụ quan trọng để đất nước vượt qua khó khăn. Đầu tư sẽ giải quyết được rất nhiều việc làm, giải quyết thu nhập cho người lao động, góp phần cho tăng trưởng...

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%. Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá, việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công chưa được tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn. Những năm gần đây, giải ngân đầu tư công đạt thấp. Mặc dù tốc độ giải ngân vốn năm nay tiến bộ hơn những năm trước, song còn số lượng lớn chưa được giải ngân. Bởi vậy, hội nghị được tổ chức nhằm tìm nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến tốc độ giải ngân chậm, kém.

“Phải tìm cho ra được nguyên nhân chủ quan là chính, chứ không phải đổ cho khách quan là chính, để chúng ta có tinh thần trách nhiệm trước nhân dân về sử dụng vốn đầu tư nhà nước trong sự phát triển của ngành, địa phương mình”, Thủ tướng nói. Tại sao có những địa phương cùng cơ chế, chính sách ấy mà họ đầu tư giải ngân rất tốt, còn nhiều địa phương rất ì ạch?  Thủ tướng chỉ rõ, là do “bệnh quan liêu, không chịu đi sát, không giải quyết công việc đặt ra và chỉ nói chung chung”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng nêu lại những địa phương dẫn đầu giải ngân vốn hiện nay như Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ…; bên cạnh đó có các địa phương quá chậm như Quảng Trị, Ninh Thuận, Đồng Nai, Trà Vinh, Thái Nguyên, Đà Nẵng… Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ điều chuyển vốn đầu tư từ ngành này sang ngành khác, địa phương này sang địa phương khác nếu cần thiết.

Hội nghị cũng sẽ là cơ hội để nêu ra kinh nghiệm quý từ các địa phương, bộ ngành. Các bộ, địa phương cần tổ chức họp thường xuyên về tình hình giải ngân, không thể họp theo hình thức 6 tháng một lần, mà cần tổ chức họp hằng tháng để nắm được cụ thể về tình hình, tìm giải pháp. Đặc biệt, cần đưa ra chế tài mạnh trong điều hành, xử lý, kiểm tra, giám sát công việc này.

Thủ tướng nêu rõ, hội nghị này cần giải quyết 3 vấn đề: Không được để vốn đọng; không được để nợ đọng (hạng mục thi công xong, dự án hoàn thành nhưng không quyết toán); không để thủ tục đọng. Đây là nhiệm vụ chính trị 6 tháng cuối năm của các địa phương, các bộ, ngành... Kết thúc cuộc họp hôm nay phải có hành động cụ thể.

Giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 33,9%

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020. “Mặc dù các cấp, các ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019 song tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Giải ngân 6 tháng đầu năm nay là 159.397,188 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch. Đáng chú ý, trong số đó, có 3 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Nguyên nhân khiến tình trạng chậm giải ngân là do công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu… còn chậm; ngoài ra, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cũng chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Cũng theo Bộ trưởng, việc lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Nhiều địa phương thực hiện tốt tiến độ giải ngân

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố đã báo cáo về tiến độ giải ngân. Trong số các tỉnh, thành phố đạt tiến độ giải ngân tốt từ 45% trở lên có Nghệ An, Tiền Giang, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình...

Lãnh đạo các tỉnh đều cho rằng, một trong những lý do giúp các tỉnh vượt kế hoạch về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công là nhờ cơ chế giao vốn một lần, tạo điều kiện để các tỉnh lên kế hoạch phân công cụ thể ngay từ đầu năm. Lãnh đạo tỉnh tổ chức cuộc họp hằng tháng, thậm chí là theo tuần để nắm bắt tình hình thực hiện các dự án, cũng như kịp thời giải quyết những vướng mắc của chủ đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết, 6 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 80% kế hoạch của cả năm, dự kiến, tỉnh sẽ hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vào cuối tháng 11. Trong quá trình thực hiện các dự án, tỉnh đã linh động, kịp thời điều chuyển vốn giữa các công trình, riêng với các công trình chưa giải ngân sẽ bị yêu cầu dừng thực hiện để điều chuyển nguồn vốn cho các công trình khác.

Lãnh đạo các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình cũng xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị. Về kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020, đại diện các tỉnh này sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, chủ động rà soát báo cáo cấp có thẩm quyền chuyển vốn các dự án giải ngân tốt, các dự án trọng điểm, hoàn chỉnh hồ sơ để thanh toán.

Bên cạnh những địa phương hoàn thành tốt tiến độ giải ngân, một số địa phương còn giải ngân chậm như Quảng Trị, Trà Vinh, Khánh Hòa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Cần Thơ, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Đồng Nai. Khó khăn lớn nhất đối với các địa phương trong việc chậm tiến độ được nêu ra tại hội nghị là công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu: “Tại sao có tỉnh làm tốt, có tỉnh trì trệ là câu hỏi đặt ra cho các đồng chí. Các đồng chí phải nói ra biện pháp mạnh mẽ trong vấn đề này, không để tình trạng trì trệ tiếp diễn".

Ảnh: VGP

Nhiều bộ còn chậm

Cùng với các địa phương, đại diện các bộ cũng có báo cáo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay tại hội nghị. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay, năm 2020, Bộ được giao 39.762 tỷ đồng, nhưng trong 6 tháng đầu năm mới giải ngân hơn 35% kế hoạch.

Để khắc phục tình trạng chậm trễ này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Bộ sẽ tổ chức họp giao ban theo tuần, xử lý kịp thời những trường hợp chậm giải ngân, đồng thời có xếp loại, đánh giá cán bộ. Bộ sẵn sàng công khai thực tế giải ngân, không né tránh và thường xuyên điều chuyển vốn giữa các dự án.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, kết thúc 6 tháng, Bộ giải ngân gần 28% kế hoạch (theo số liệu của Bộ Tài chính), xấp xỉ với mặt bằng cả nước. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm 2020, tốc độ giải ngân sẽ được đẩy nhanh hơn, do một số vướng mắc đã được giải quyết.

Để đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện của cả nước, khắc phục tình trạng chậm trễ, lãnh đạo các bộ đều kiến nghị cần rà soát cơ chế, chính sách, tăng cường thanh toán trước, kiểm soát sau. Đối với những dự án chưa đủ điều kiện nhận vốn cần sớm thu hồi, có cơ chế nghiêm khắc với các chủ đầu tư sai phạm trong quá trình thực hiện dự án. Tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về quy định chồng chéo giữa các cơ quan, bộ, ngành.

Thông tin về kết quả thực hiện các dự án ODA, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng, các dự án sẽ không thể triển khai nếu ban quản lý chưa tích cực. "Quá trình chuẩn bị cho dự án ODA diễn ra rất lâu, nhưng khi có dự án lại không thúc đẩy thực hiện. Trong những vướng mắc, phải nói đến giải phóng mặt bằng, không thể sử dụng nguồn vốn ODA để giải phóng mặt bằng do đây là nguồn tiền vay và phải trả nợ, nên các đơn vị phải chuẩn bị vốn đối ứng", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, điểm nghẽn lớn là trình tự thủ tục kéo dài, thậm chí mất 2-3 năm. Về giải phóng mặt bằng chưa đạt được yêu cầu, còn chậm, nhiều dự án không triển khai được, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu do thiếu quyết liệt, thiếu sự quan tâm.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị phân loại các dự án theo tính chất cụ thể từng dự án. Đối với dự án có khả năng hoàn thành trong năm nay, tập trung thanh toán giải ngân vốn cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, đôn đốc các dự án khác bảo đảm đúng tiến độ, kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm tiến độ, vi phạm hợp đồng.

Các bộ, ngành, địa phương cần có chương trình hành động cụ thể

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến yêu cầu nâng cao nhận thức trong giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đất nước đang chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19.

“Từ công trình giải quyết tiền lương, từ công trình giải quyết việc làm cho hàng triệu người”, Thủ tướng nói và đề nghị cần nâng cao hơn nữa “quyết tâm chính trị” của các cấp, các ngành trong vấn đề này.

Thủ tướng chỉ rõ, qua kiểm tra, công tác chuẩn bị dự án, chuẩn bị đầu tư còn yếu kém, nhiều bất cập, trong đó có việc chưa phân bổ gần 27.000 tỷ đồng vốn. Bên cạnh những địa phương làm tốt, còn nhiều địa phương, bộ, ngành chưa quyết tâm vào cuộc tháo gỡ khó khăn, bất cập. Thủ tướng đề nghị các bộ cần có chương trình hành động cụ thể, mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong triển khai nhiệm vụ này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn đầu tư công, tập trung hỗ trợ cho đầu tư xã hội, thu hút vốn FDI và đầu tư tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng. Với quyết tâm cao nhất, Thủ tướng đề nghị phát động phong trào thi đua yêu nước trong giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư tư nhân, vốn FDI tại các ngành, địa phương.

Nhấn mạnh đến trách nhiệm người đứng đầu trong bối cảnh chỉ còn 25-26 tuần là hết năm, Thủ tướng yêu cầu báo cáo thường xuyên 2 tuần/lần về kết quả triển khai công tác này đi đôi với kiên quyết xử lý cá nhân thiếu trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng quyết định, từ đầu tháng 8, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập danh sách điều chuyển vốn trình Chính phủ quyết định để ưu tiên cho các dự án đang cần vốn.

Tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, một khâu yếu trong giải ngân vốn đầu tư, Thủ tướng chỉ đạo các bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh phải hỗ trợ cấp huyện, cấp xã trong đối thoại, tuyên truyền với người dân; giải quyết thỏa đáng, đúng mức, đúng quy định.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục giao quyền cho các địa phương trong xử lý các vấn đề về thủ tục theo thẩm quyền; tiếp tục đôn đốc kiểm tra, xử lý các thủ tục hồ sơ tồn đọng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng chỉ đạo giải quyết 3 vấn đề về giải ngân vốn đầu tư công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.