(HNM) - Sức ép từ dư luận gia tăng trong những ngày gần đây khiến nhà lãnh đạo 57 tuổi của Ba Lan phải tính tới giải pháp từ chức để mở đường cho một cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn.
Sức ép từ dư luận gia tăng trong những ngày gần đây khiến nhà lãnh đạo 57 tuổi của Ba Lan phải tính tới giải pháp từ chức để mở đường cho một cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn.
Thủ tướng Donald Tusk đang đối mặt với sức ép phải từ chức. |
Nguồn cơn của mọi bất trắc bắt đầu từ việc trang web của tạp chí Wprost công bố đoạn băng ghi âm bí mật liên quan vụ cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Jacek Rostowski bị cách chức cuối năm ngoái. Đoạn băng ghi lại cuộc trò chuyện giữa Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bartlomiej Sienkiewicz và Thống đốc Ngân hàng trung ương Ba Lan Marek Belka, được cho là tại một nhà hàng ở thủ đô Warszawa. Theo trang web này, ông Sienkiewicz đã tìm cách thuyết phục ông Belka ủng hộ các chính sách tài chính của chính phủ. Đổi lại, ông Sienkiewicz cam kết Bộ trưởng Tài chính lúc đó sẽ phải ra đi. Ít tháng sau cuộc tiếp xúc, người đứng đầu ngành tài chính Ba Lan Jacek Rostowski đã phải nhường chỗ cho một nhân vật khác sau 6 năm đảm nhiệm vị trí này.
Mặc dù Ngân hàng trung ương Ba Lan bác bỏ cáo buộc của Wprost, khẳng định những nhận xét của ông Belka không liên quan việc ông Rostowski bị cách chức và đoạn băng ghi âm được thực hiện để gây ấn tượng rằng thống đốc hành động vượt quá quyền hạn của mình. Tuy nhiên, điều đáng nói là đoạn băng được công bố tại thời điểm nhạy cảm khi Ba Lan phải giải quyết những lo ngại về an ninh bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine. Chưa kể, cử tri nước này đang thất vọng trước việc đảng Cương lĩnh Công dân cầm quyền của ông D.Tusk giành kết quả quá thấp (chưa đến 1%) trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu hồi tháng 5 vừa qua. Tận dụng cơ hội này, các đảng đối lập cũng ra sức gây sức ép yêu cầu ông D.Tusk rời chiếc ghế Thủ tướng.
Khi tái đắc cử vào năm 2011, Thủ tướng D.Tusk trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Ba Lan giành thắng lợi hai nhiệm kỳ liên tiếp kể từ sau năm 1991. Là một chính khách có tư tưởng khá cởi mở và thực tế, ông D.Tusk chủ trương theo đuổi đường lối phát triển kinh tế tự do và tăng cường hội nhập vào gia đình Châu Âu, cải thiện quan hệ với Mỹ và Nga - hai cường quốc hàng đầu thế giới. Giới phân tích đánh giá cao Thủ tướng D.Tusk trong việc duy trì chiến lược sự ổn định cho cả nền kinh tế và chính trị của Ba Lan trong bối cảnh Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Dưới sự lãnh đạo của đảng cầm quyền, thời gian đầu khủng hoảng nợ, đất nước 38 triệu dân này đã vượt bão tài chính khá ngoạn mục và là thành viên duy nhất của EU thoát khỏi bẫy suy thoái.
Tuy nhiên, tình hình bắt đầu xấu đi trông thấy kể từ đầu năm 2013 khi nền kinh tế Ba Lan tăng trưởng chậm lại. Tỷ lệ thất nghiệp không được cải thiện, nhất là ở một số vùng nông thôn có tới 20% người dân không có công ăn việc làm. Thêm vào đó, nhiều vụ bê bối như vụ phá sản của tổ chức tài chính Amber Gold mà con trai Thủ tướng D.Tusk làm việc, hay sự chậm chạp trong quá trình xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như sự lúng túng của chính phủ trong việc giải quyết thâm thủng ngân sách cùng hàng loạt chính sách mất lòng dân... đã khiến cho các lãnh đạo của đảng PO ở nhiều địa phương đồng loạt mất tín nhiệm. Nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra liên miên.
Trong bối cảnh tỷ lệ tín nhiệm dành cho chính phủ không ngừng suy giảm, vụ việc trang web Wprost công bố đoạn băng ghi âm bí mật như một đòn giáng mạnh tiếp theo vào uy tín đảng cầm quyền. Tình thế hiện tại cho thấy, dù chỉ còn một năm nữa, nhưng Thủ tướng D.Tusk sẽ còn phải hết sức vất vả mới có thể bảo toàn "thắng lợi lịch sử" trong sự nghiệp chính trị của mình. Bằng không, nhiều người Ba Lan vẫn có lý do để tin vào những lời đồn đoán rằng, chiếc ghế Thủ tướng nước này có lẽ đã bị "yểm bùa", khiến chưa ai ngồi ở đó tới hết nhiệm kỳ thứ hai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.