(HNM) - Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ vật chất, tinh thần cho những người hoạt động kháng chiến và thân nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin (CĐDC). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn không ít vướng mắc, phát sinh, tồn đọng hồ sơ khiến nhiều nạn nhân CĐDC đã qua đời trước khi được hưởng chế độ ưu đãi.
Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên khám bệnh cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam. |
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam cho biết, hiện cả nước có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm CĐDC và 3 triệu người là nạn nhân. Nhiều gia đình có tới 3 thế hệ bị ảnh hưởng do nhiễm CĐDC. Thậm chí, có gia đình tới 4 thế hệ bị ảnh hưởng CĐDC, cuộc sống vô cùng khó khăn. Để phần nào xoa dịu nỗi đau và cải thiện đời sống của họ, những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chính sách ưu đãi.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn quá nhiều vướng mắc, thủ tục khá phiền hà, gây khó khăn cho các đối tượng thụ hưởng. Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, hiện cả nước mới có hơn 200.000 nạn nhân CĐDC được hưởng chế độ, chính sách. Số hồ sơ tồn đọng rất lớn do chủ yếu vướng mắc ở khâu giám định y khoa, tiêu chí xác định nạn nhân CĐDC, sau đó là xác minh giấy tờ, hồ sơ.
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, văn bản hướng dẫn giải quyết chế độ, chính sách cho nạn nhân CĐDC đã ban hành nhưng vẫn còn vướng mắc trong khâu lập hồ sơ vì chưa có tiêu chí dị dạng, dị tật hay đòi hỏi phải có bản tóm tắt bệnh án của con đẻ người hoạt động kháng chiến nhiễm CĐDC. Bên cạnh đó, việc yêu cầu chứng minh thời gian và địa bàn tham gia kháng chiến ở vùng bị phun rải chất độc hóa học đã và đang gây ra nhiều phiền nhiễu, tốn kém thời gian, tiền của, công sức của đối tượng và gia đình bị ảnh hưởng từ CĐDC.
"Tiêu chí xác định bệnh tật do ảnh hưởng chất độc hóa học hiện nay còn rất mù mờ, chưa đầy đủ, gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, khiến khâu chẩn đoán người bị nhiễm chất độc hóa học mắc bệnh gì, dị tật như thế nào rất khó khăn, không chuẩn xác", Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết.
Luật sư Lê Đức Tiết, người đồng hành với nạn nhân CĐDC trong nhiều năm qua cũng cho rằng, sự thiếu đồng bộ trong các văn bản hướng dẫn, sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng đã gây ra khó khăn, ách tắc ngay từ khâu lập hồ sơ. Nhiều người mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y như: tâm thần, vô sinh, dị dạng, dị tật, thậm chí liệt toàn thân, nhưng do những bệnh này không nằm trong danh mục bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học nên hồ sơ không được xác nhận. Vẫn theo luật sư Lê Đức Tiết, hiện đối tượng được hưởng chế độ cũng mới chỉ dừng lại ở những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và thế hệ thứ hai bị dị tật, dị dạng. Tuy nhiên, ngay trong nhóm đối tượng này vẫn tồn tại nhiều điểm quy định chưa thỏa đáng. Cụ thể, nhiều người bị nhiễm chất độc hóa học, di chứng không biểu hiện ở đời con mà lại xuất hiện ở đời cháu...
Để bảo đảm không bỏ sót đối tượng được thụ hưởng chính sách, các cơ quan chức năng cần khẩn trương tháo gỡ vướng mắc; xử lý linh hoạt tồn tại nhưng vẫn bảo đảm sự chặt chẽ. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh kiến nghị: Bộ Y tế cần sớm thống nhất việc quy định cũng như ghi tên bệnh tật, dị dạng, dị tật, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng. Bộ LĐ-TB&XH cần hướng dẫn chi tiết, thống nhất danh mục giấy tờ hồ sơ được coi là hợp lệ để chứng minh thời gian tham gia kháng chiến ở vùng bị quân đội Mỹ phun rải chất độc hóa học. Sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc chính là trách nhiệm, nghĩa vụ để phát huy tối đa ý nghĩa nhân văn của chính sách ưu đãi, thể hiện đạo lý đền ơn, đáp nghĩa của dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.