Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tục giải quyết phá sản chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

Hà Phong| 27/05/2014 06:17

(HNM) - Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới bên hành lang Quốc hội ngày 26-5, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Đinh Xuân Thảo khẳng định, trong nền kinh tế thị trường, hoạt động phá sản là hết sức bình thường. Song giải quyết phá sản theo hướng mới đề ra chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

- Có ý kiến cho rằng các đề xuất của Ban soạn thảo Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) đã tăng sức ép phá sản đối với các đơn vị đang gặp khó khăn. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Không hẳn vậy! Tôi cho rằng dự thảo luật xác định DN, HTX mất khả năng thanh toán dựa trên việc "không thanh toán được khoản nợ đến hạn" và một vài tiêu chí khác có ưu điểm là làm cho khả năng mở thủ tục phá sản đối với DN, HTX sẽ sớm hơn, nghĩa là có cảnh báo sớm hơn. Từ đây, mỗi đơn vị có những giải pháp phục hồi hoặc cho phá sản DN, HTX một cách kịp thời, ngăn chặn được hiện tượng phá sản dây chuyền ở các đơn vị liên quan.

- Một chức danh mới, chưa có ở Việt Nam là "quản tài viên" (người quản lý tài sản phá sản) dự kiến sẽ ra đời nếu Quốc hội thông qua Luật Phá sản (sửa đổi). Theo ông, đề xuất này có phù hợp?

- Tôi đề nghị cân nhắc thêm. Quản tài viên có vai trò rất quan trọng trong quy trình giải quyết thủ tục phá sản, đặc biệt là giai đoạn xử lý tài sản và là một trong những nhân tố có tính quyết định sự thành bại của việc giải quyết các vấn đề liên quan tài sản của DN. Thực tế, có nhiều DN phá sản là những tập đoàn lớn, nếu giao cho một cá nhân quản tài viên thực hiện việc quản lý và thanh lý, chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn. Trường hợp này, nên giao cho cơ quan thi hành án dân sự thì sẽ phù hợp hơn về cả năng lực và chức năng quản lý.

- Đang có tình trạng doanh nghiệp cố tình tẩu tán tài sản trước khi tuyên bố phá sản. Thế nhưng quyền nộp đơn yêu cầu phá sản của người lao động đang hoạt động trong DN có nguy cơ phá sản vẫn vướng…

- Vấn đề đặt ra là với người lao động đang bị nợ lương, đồng nghĩa không có tiền để dành thì rất khó có khả năng nộp lệ phí phá sản và tạm ứng chi phí phá sản DN theo quy định của dự thảo. Không nộp tiền thì tòa án không thụ lý đơn. Tôi cho rằng cần xem xét, miễn cho họ các khoản trên như vậy mới phù hợp với điều kiện thực tế.

- Trong quá trình cải cách tư pháp, đã có nhiều quy định về tăng thẩm quyền, nguồn lực cho tòa án cấp dưới, dự thảo lại giao việc giải quyết phá sản cho tòa án cấp tỉnh. Ông có bình luận gì?

- Chắc hẳn ý của cơ quan soạn thảo thủ tục phá sản liên quan nhiều người, nhiều địa bàn hoạt động của DN, HTX, thậm chí liên quan nhiều tỉnh hoặc ra cả nước ngoài. Cho nên từ lập luận đó cơ quan soạn thảo đã sửa theo hướng giao nhiều thẩm quyền cho tòa án cấp tỉnh. Nhưng đúng là phải xem xét lại, bởi vì quy định như thế này không phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề cải cách tư pháp hiện nay là tăng thẩm quyền cho tòa án cấp dưới, nhất là đối với tòa án khu vực, tòa án sơ thẩm.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tục giải quyết phá sản chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.