Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thử thách khắc nghiệt

Trung Hiếu| 26/10/2012 07:27

(HNM) - Đó là tên cuộc tập trận phòng thủ tên lửa chung Mỹ - Israel mở màn ngày 21-10 và sẽ kéo dài trong suốt hai tuần.


Cuộc tập trận phòng thủ tên lửa chung giữa Israel và Mỹ đang đẩy khu vực vào căng thẳng mới.

Được mô tả là lớn nhất trong lịch sử quan hệ quốc phòng hai nước, cuộc thao diễn mang tên "Thử thách khắc nghiệt - 12" đang diễn ra với chi phí khoảng 38 triệu USD (trong đó Washington chi khoảng 30 triệu USD). Trung tướng không quân Mỹ Craig Franklin, người xây dựng kế hoạch cuộc tập trận cho biết, ít nhất 3.500 binh sĩ Mỹ đóng tại Israel và Châu Âu cùng khoảng 1.000 binh sĩ Israel sẽ phối hợp tập luyện để chuẩn bị cho khả năng tấn công bằng rocket, súng cối và tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm xa từ nhiều hướng nhằm vào nhà nước Do Thái. Quân đội Israel cho biết, trong quá trình tiến hành cuộc tập trận "Thử thách khắc nghiệt - 12" này, binh sĩ hai nước sẽ cùng vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa "Vòm Sắt" của Israel, phiên bản mới nhất của tên lửa Patriot (Mỹ) cũng như hệ thống tên lửa đánh chặn Arrow do hai đồng minh cùng phát triển. Đây là cuộc tập trận thứ sáu trong chuỗi các cuộc tập trận chung với quy mô lớn và đã được lên kế hoạch trong hơn hai năm. Người xây dựng và chỉ huy kế hoạch của Mỹ nhấn mạnh, cuộc tập trận này hoàn toàn mang tính phòng thủ, không liên quan tới bất kỳ diễn biến cụ thể nào trong khu vực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục căng thẳng và câu hỏi về một cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran còn bỏ lửng thì cuộc tập trận dường như là một phần của lời đáp. Nhưng đáng ngại là, cuộc thao diễn tên lửa lớn nhất trong lịch sử Trung Đông đã và đang khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng. Bởi trước đó, hồi trung tuần tháng 10, Tạp chí Chính trị Thế giới (Mỹ) đã trích dẫn tài liệu của một quan chức cấp cao, G.Rothkopf, từng phục vụ dưới chính quyền Tổng thống Bill Clinton những năm 90 của thế kỷ trước và hiện là Giám đốc điều hành của tổ chức chuyên đánh giá các xu hướng toàn cầu mang tên Garten Rothkopf cho biết, các quan chức Mỹ và Israel đang nghiên cứu một kế hoạch tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Trong tài liệu, ông G.Rothkopf trích dẫn các nguồn tin gần gũi với các cuộc thảo luận đang diễn ra giữa Washington và Tel Aviv cho biết, Mỹ sẽ đóng vai trò chủ yếu trong cuộc tấn công, bởi quân đội Israel hiện không đủ nguồn lực cho một cuộc không kích lớn. Natanz và Fordow của Iran được xây dựng sâu trong lòng đất, trong khi đó tất cả các loại máy bay hiện có của không lực Israel không đủ khả năng bắn các tên lửa phá hủy boongke. Ông G.Rothkopf cho rằng cuộc chiến của Mỹ thành công không những sẽ đẩy lùi chương trình hạt nhân của Iran mà còn đem lại nhiều lợi ích cho toàn khu vực. Đó là cứu Iraq, Syria, Lebanon; đồng thời khôi phục tiến trình hòa bình Trung Đông; bảo vệ Vùng Vịnh; phát đi một thông điệp rõ ràng với Nga và Trung Quốc và bảo đảm uy tín của Mỹ tại khu vực trong thập kỷ tới.

Đúng như dự đoán của giới quan sát, chính quyền của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã phản ứng mạnh mẽ. Ngày 19-10, Tư lệnh Lực lượng Basij của Iran, Chuẩn tướng Mohammad-Reza Naqdi cảnh báo, hàng trăm máy bay không người lái có thể tiến vào không phận của Israel, một tình huống mà Tel Aviv không có khả năng ứng phó. Ngày 23-10, Chuẩn Đô đốc Hải quân Iran Habibollah Sayyari cũng công bố tình báo nước này đang theo dõi sát sao các động thái của hải quân Mỹ trong khu vực. Theo ông Habibollah, Tehran đã đạt được tiến bộ đáng kể, đặc biệt là đã theo dõi liên tục các tàu sân bay Mỹ. Hồi đầu tháng 10 này, Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Chuẩn tướng Ahmad Vahidi, tuyên bố Tehran có thể phản đòn chí mạng với bất cứ mối đe dọa nào của kẻ thù nhờ khả năng của các loại tên lửa hành trình. Còn lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei khẳng định rằng, Iran "không bao giờ" đầu hàng trước sức ép liên quan tới chương trình hạt nhân...

Các động thái diễn ra dồn dập trong thời gian gần đây khiến dư luận lo ngại khi các kênh đối thoại với Iran về chương trình hạt nhân của nước này không mang lại kết quả thì một cuộc chiến có thể xảy ra. Theo giới quan sát, lúc này là "thích hợp nhất" để Mỹ tấn công Iran, vì sẽ lôi kéo được lá phiếu của cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử sắp tới. Do đó, cuộc tập trận phòng thủ tên lửa chung Israel - Mỹ đang diễn ra được xem là "đòn nắn gân" với cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Iran đang lâm vào bế tắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thử thách khắc nghiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.