(HNM) - Nắm bắt nhu cầu thị trường, khai thác lợi thế địa phương, những năm gần đây, người dân thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) đã mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và nơi đây đang trở thành “thủ phủ” giống cây trồng của Hà Nội và cả nước. Cũng nhờ nghề này, đời sống của hàng trăm hộ dân ở Trâu Quỳ được cải thiện.
Đến Trâu Quỳ, chúng tôi được chứng kiến người dân trồng và bán hàng trăm giống cây, trong đó chủ lực là giống cây ăn quả (bưởi, mít, nhãn, ổi, táo, vú sữa, hồng xiêm...). Ông Lê Hồng Quân (người dân thị trấn Trâu Quỳ) có 14.000m2 chuyên ươm hạt và ghép giống cây ăn quả cho biết, gia đình ông đã gắn bó với nghề này được 20 năm, cung cấp giống cây trồng cho thị trường cả nước. Vườn giống của gia đình ông đang tạo việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương, trong đó thợ “đánh” cây và thực hiện công đoạn ghép có thu nhập 500 nghìn đồng/người/ngày, thợ làm cỏ 200 nghìn đồng/người/ngày...
Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trâu Quỳ Ngô Quốc Tịch, từ năm 1997, nắm bắt nhu cầu thị trường, một số hộ dân tại thị trấn Trâu Quỳ đã chuyển từ trồng lúa, trồng màu sang sản xuất cây giống. Để hỗ trợ xã viên, thị trấn Trâu Quỳ đã quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh. Huyện Gia Lâm cũng hỗ trợ vùng sản xuất này 24 giếng khoan phục vụ tưới cây.
Ngoài ra, thị trấn Trâu Quỳ còn phối hợp với các phòng, ban của huyện Gia Lâm, Sở NN&PTNT Hà Nội và Học viện Nông nghiệp Việt Nam (đơn vị có trụ sở trên địa bàn thị trấn) thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật nhân giống cây ăn quả; khảo nghiệm giống cây đầu dòng để chọn ra các giống tốt phục vụ công tác nhân giống. Đồng thời, yêu cầu các hộ sản xuất, kinh doanh cây giống phải đăng ký kinh doanh và được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động theo quy định; tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất, kinh doanh giống bảo đảm về chất lượng, giữ uy tín, thương hiệu cho địa phương. Đến nay, toàn thị trấn có gần 66ha chuyên canh giống cây trồng.
Bà Bùi Thị Tơ, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp thị trấn Trâu Quỳ chia sẻ, những năm gần đây, diện tích chuyên canh cây giống ở địa phương duy trì ổn định. Nông dân đã đầu tư chiều sâu vào kỹ thuật, công nghệ để sản xuất cây giống chất lượng cao như kỹ thuật ghép cành, ghép đoạn thay vì ghép mắt như trước đây; lắp đặt hệ thống tưới tự động giúp giảm công chăm sóc...
Đến nay, thị trấn có nhiều mô hình sản xuất cây giống hiệu quả cao như mô hình của các ông Nguyễn Văn Lập, Hoàng Văn Long, Nguyễn Văn Bình, bà Vũ Thị Hạnh thuộc tổ dân phố An Đào; mô hình sản xuất của ông Lê Văn Hòa, Lê Văn Thiêm ở tổ dân phố Kiên Thành... Ước tính, 66ha sản xuất cây giống của thị trấn Trâu Quỳ đạt giá trị sản xuất khoảng 40 tỷ đồng/năm.
Phát huy hiệu quả từ những mô hình này, thời gian tới, thị trấn Trâu Quỳ tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp còn lại sang chuyên canh cây giống có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật kết hợp quản lý tốt việc sản xuất, kinh doanh để nghề nhân giống cây trồng phát triển, góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.