(HNM) - Thời điểm này, công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019 tại Hà Nội đã hoàn thành đúng tiến độ, đạt mục tiêu, song vẫn còn một vài cấn cá.
Công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019 đang được dư luận quan tâm. Ảnh: Viết Thành |
Điểm chuẩn thực chất hơn
Năm học 2018-2019 là năm lứa học sinh sinh năm 2003 - tuổi “dê vàng” theo quan niệm dân gian, vào lớp 10, kéo theo sự gia tăng đột biến về quy mô học sinh. Số học sinh tham dự kỳ thi lớp 10 tại Hà Nội năm nay đông kỷ lục, với gần 95 nghìn em, tăng gần 19 nghìn em so với kỳ thi năm trước.
Trong khi đó, chỉ tiêu vào các trường công lập là 63.050, số còn lại phân bổ vào trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên... Đây là căn cứ khiến phụ huynh, học sinh cho rằng điểm chuẩn vào lớp 10 các trường công lập năm nay sẽ cao hơn.
Trái với dự đoán, điểm chuẩn vào các trường công lập hầu hết đều giảm từ 0,5 đến 1 điểm so với năm trước. Các trường THPT thường có điểm chuẩn cao nhất thành phố giảm mạnh, như Chu Văn An, Thăng Long, Việt Đức - giảm 3 điểm; Phạm Hồng Thái, Kim Liên, Nguyễn Thị Minh Khai - giảm 2 điểm. Nhiều trường THPT có mức điểm chuẩn thấp hơn năm trước 1,5 điểm như Trần Phú - Hoàn Kiếm, Trần Nhân Tông, Lý Thường Kiệt...
Trước băn khoăn của dư luận về việc tại sao mức điểm chuẩn giảm trong khi quy mô học sinh tăng, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý Thi và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lý giải: Điểm chuẩn giảm chủ yếu do thực hiện việc bỏ cộng điểm khuyến khích với học sinh tham gia các kỳ thi, chỉ còn chế độ cộng điểm thi nghề. Năm trước, nhiều em được hưởng mức điểm cộng lên tới 4 điểm, năm nay tối đa chỉ 1,5 điểm.
“Việc điểm chuẩn của các trường tốp trên giảm mạnh còn do tâm lý học sinh lo ngại quy mô học sinh tăng nên không dám đăng ký. Tuy nhiên, điểm chuẩn của các trường năm nay thực chất hơn, phản ánh đúng thực lực của học sinh”, ông Phạm Quốc Toản khẳng định.
Kỳ tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội vừa qua còn để lại trong dư luận nghi ngại về tính thực chất trong đánh giá, xếp loại bởi có hiện tượng học sinh có học lực giỏi cả 4 năm cấp THCS nhưng đi thi lại được điểm thấp. Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, trong đó có những bất cập trong cách thức tuyển sinh lớp 10 hiện nay khi trong thành phần điểm xét tuyển có cả điểm học tập, rèn luyện của học sinh ở cấp THCS. Vì vậy, Hà Nội quyết tâm đổi mới cách thức tuyển sinh vào năm học tới, hạn chế tình trạng nơi làm lỏng, nơi chặt trong đánh giá hoặc làm học bạ "đẹp" cho học sinh cấp THCS.
Không làm ảnh hưởng quyền lợi học tập của học sinh
Điểm “nóng” nhất của kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay là việc một số trường ngoài công lập thu phí giữ chỗ, phí ghi danh, cố tình gây khó khăn khi học sinh có nguyện vọng rút hồ sơ khiến dư luận bức xúc. Đề cập đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Ngọc Quang cho biết: Ngày 1-7, Sở GD-ĐT có văn bản yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc quy định về tuyển sinh; khi phát hiện có đơn vị sai phạm, Sở đã có văn bản riêng chấn chỉnh với yêu cầu tạo thuận lợi nhất cho học sinh rút hồ sơ và hoàn trả các loại phí.
Học sinh làm bài thi vào lớp 10 tại điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng.Ảnh: Nhật Nam |
Ông Lê Ngọc Quang khẳng định: Việc thu phí giữ chỗ hoặc phí ghi danh của các trường là sai quy định. Nghị định 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ “Về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường” chỉ quy định về việc thu phí và lệ phí. Luật Giáo dục cũng chỉ đề cập đến học phí và lệ phí tuyển sinh, không có quy định nào về các loại phí như trên.
Điều đáng nói là tại Kế hoạch số 126/KH-BCĐ về tổ chức thi, tuyển sinh vào lớp 10 THPT do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý ký ngày 5-6-2018 quy định rõ, thời gian nhận hồ sơ của học sinh trúng tuyển các trường ngoài công lập là từ ngày 1 đến 8-7-2018, nhưng một số trường đã tiến hành việc này từ trước ngày công bố điểm chuẩn vào các trường công lập, tức là ngày 30-6-2018.
Để giải quyết những vấn đề trên, ông Lê Ngọc Quang thông tin, Sở GD-ĐT sẽ giám sát, chấn chỉnh hiện tượng này, đồng thời ban hành quy định về việc công bố, sử dụng điểm chuẩn để áp dụng từ kỳ tuyển sinh năm sau. Theo đó, các trường phải tuyển sinh theo đúng điểm chuẩn đã công bố, nếu chưa đủ chỉ tiêu thì được phép hạ điểm chuẩn, tuyệt đối không được tăng điểm chuẩn.
Hà Nội cũng dự kiến sẽ công bố phổ điểm để học sinh nhận diện sơ bộ về mức điểm chuẩn của các trường, khả năng trúng tuyển của bản thân. Qua đó tránh tình trạng học sinh vì thiếu thông tin phải “chạy ngược chạy xuôi” tìm nơi nộp hồ sơ, ảnh hưởng đến quyền lợi học tập.
Thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội ngày 11-7, hầu hết các trường ngoài công lập bị “điểm mặt, chỉ tên” như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ, Tạ Quang Bửu, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu... đã trả hoặc có thông báo về việc sẽ trả lại các khoản phí. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, UBND thành phố, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục chấn chỉnh, yêu cầu các trường trả lại cho phụ huynh các khoản phí đã thu khi rút hồ sơ, đồng thời tổ chức họp rút kinh nghiệm để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho học sinh và tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống trường ngoài công lập phát triển. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.