(HNMO) – Chiều 23-3 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng khẳng định: Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Trí thức Việt Nam ở nước ngoài là lực lượng quan trọng không tách rời với dân tộc, với đất nước. Trí thức Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp quan trọng vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, luôn được Đảng và Nhà nước ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Mai Phan Dũng cho biết: Nhận thức được vai trò quan trọng của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và trí thức kiều bào nói riêng, trong đó, gần đây nhất là Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới… Trong thời gian tới, đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục tăng về số lượng, đa dạng hơn về địa bàn cư trú, hội nhập sâu hơn vào xã hội sở tại, cơ cấu tiếp tục thay đổi. Với số lượng đông đảo, làm việc ở nhiều nước có trình độ cao về khoa học - công nghệ và kinh tế, chuyên gia, trí thức kiều bào là vốn quý, nếu huy động tốt sẽ góp phần giúp đất nước phát triển, đặc biệt trên các mặt khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Theo GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ - Đại học Năng lượng quốc gia Moscow (Liên Bang Nga), Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT, công tác thu hút, tập hợp và sử dụng hiệu quả lực lượng trí thức kiều bào không đơn giản do nhiều nguyên nhân như: Lực lượng trí thức kiều bào tuy đông nhưng phân bố trên khắp các quốc gia, châu lục; hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau; làm việc trong nhiều hệ thống khoa học, tổ chức quản lý, mô hình hoạt động và văn hóa khác nhau; chính sách đãi ngộ, nhà cửa, sinh hoạt, đi lại, học hành cho con cái...
Để có thể thu hút lực lượng trí thức kiều bào đóng góp cho hợp tác phát triển khoa học công nghệ, GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ đã đưa ra 8 giải pháp, trong đó, theo ông, cần quản lý hệ thống khoa học và tập hợp, thu hút trí thức theo hướng gọn nhẹ, chuyên sâu, chuyên nghiệp, gắn với thực tiễn, với thị trường, lấy các tiêu chí về hiệu quả hoạt động đầu tư và ứng dụng lên làm đầu. Đặc biệt, cần tập trung xây dựng và phát triển một số tập đoàn khoa học công nghệ mạnh để triển khai các dự án khoa học công nghệ, làm nền tảng cho phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ thực tiễn triển khai những cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của Hà Nội, Tiến sĩ Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, để xây dựng một đội ngũ trí thức lớn mạnh, phải xây dựng được một cơ chế mang tính đột phá nhằm thu hút hơn nữa nguồn lực cả về kinh tế và chất xám của chuyên gia, trí thức kiều bào; cho phép bổ nhiệm chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có năng lực vào các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan cấp cục, vụ, viện hoặc trưởng phòng thí nghiệm, tổng công trình sư, giám đốc dự án... Đồng thời, không chỉ chú trọng vào các chuyên gia, trí thức đã thành danh ở nước ngoài mà cần mạnh dạn tin dùng và tạo cơ hội cho các tài năng trẻ tuổi, mạnh dạn giao nhiệm vụ, gắn trách nhiệm và quyền lợi của các dự án khoa học công nghệ, các nghiên cứu và cầu nối hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ cho các trí thức kiều bào. Nhà nước cũng cần xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính cho họ, theo đúng tinh thần quán triệt tại Chỉ thị số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.